Người dân làng nghề tâm huyết với từng chiếc bánh, quyết giữ thương hiệu làng nghề.
Làng nghề bánh tráng cù lao Mây hiện có trên 70 hộ với khoảng 150 lao động. Làng nghề đã thành lập được 1 HTX và đã có “Nhãn hiệu tập thể”. Nhiều sản phẩm bánh tráng tại làng nghề được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, thời gian qua, người làng nghề đã mạnh dạn cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều loại bánh tráng, để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, như: bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt, bánh tráng sữa, bánh tráng mặn, bánh tráng thanh long,…
Sản xuất chậm hơn so với mọi năm, nhưng từ đầu tháng 12, cơ sở sản xuất bánh tráng Lệ Hằng (xã Lục Sĩ Thành) cũng đã sẵn sàng cho vụ Tết. Theo cô Lệ Hằng, do dịch bệnh nên thị trường tiêu thụ chậm hơn, đơn đặt hàng cũng giảm hơn 50%, nhưng cơ sở vẫn sản xuất 6 loại bánh tráng. Riêng loại bánh tráng ngọt của cơ sở được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Ngày thường tôi tráng chừng 300- 400 bánh, còn đến cận Tết tăng gấp đôi, có ngày còn thêm vài trăm bánh tráng nhúng. Năm nay, mối đặt bánh giảm nhiều, do người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Bên cạnh tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh, cơ sở cũng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không dùng hóa chất hay chất bảo quản để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”- cô Lệ Hằng chia sẻ.
Những chiếc bánh tráng tròn xinh vừa mới ra lò, chờ ra chợ Tết.
Theo người làm bánh, công đoạn tráng bánh là công đoạn khó nhất, từng vá bột đổ đều lên mặt vải căng trên nồi nước sôi để bánh chín bằng hơi. Khi bánh chuyển từ màu trắng đục sang trong vắt thì dùng ống tre nhấc ra. Người tráng bánh phải quen tay thì chiếc bánh tráng mới tròn và độ dày mỏng mới đều nhau. Qua bàn tay khéo léo, những chiếc bánh tráng tròn xinh, thơm phức mùi dừa, mè, dần được ra lò. Trên những chiếc phên, bánh tráng đón nắng sớm, chờ khô để ra chợ Tết.
Nhiều hộ làm bánh tráng cho hay, năm nay, giá cả nguyên liệu tăng 20- 30% nên giá bánh có tăng nhẹ khoảng 10.000- 15.000 đ/chục bánh, tùy loại. Cô Trần Thị Thúy Liễu cho hay: “Năm nay, hầu như đường, mè, dừa đều tăng giá, nên tôi cũng tăng thêm 20%. Để bánh được giữ lâu, đảm bảo vệ sinh, chất lượng, tôi cũng đã được hỗ trợ đầu tư máy hút chân không. Nhờ vậy mà sản phẩm đi được xa hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn”.
Làng nghề bánh tráng vào vụ Tết cũng đã phần nào giải quyết được lao động nhàn rỗi ở địa phương. Như bà Nguyễn Thị Kim Hương, hơn 60 tuổi, chia sẻ: “Năm nào vào vụ bánh tráng tết, cũng có lò kêu tôi phụ làm, có thêm thu nhập 100.000 đ/ngày. Làm từ nay đến Tết, tôi cũng có chút đỉnh để sắm sửa bánh mứt, ít đồ đạc trong nhà để ăn Tết”.
Chia sẻ về làng nghề vụ Tết năm nay, ông Lương Văn Thông- Giám đốc Hợp tác xã Bánh tráng Cù lao Mây, cho hay: Thời điểm này, hầu như nhà nào cũng có tráng bánh nhưng sản lượng năm nay giảm 50% so với những năm trước. Nhiều khách mối năm trước là Việt kiều cho hay do dịch bệnh không về nước nên ít đặt hàng, giảm lượng bánh làm quà tặng.
Dù vậy, về thăm làng nghề mới thấy, mới cảm được tâm tình của người làm bánh dành cho từng chiếc bánh. Bởi với nhiều người, đây không chỉ là nghề để mưu sinh mà là còn tình yêu nghề gắn bó bao năm. Tuy làm bánh tráng lợi nhuận không cao, nhất là lúc dịch bệnh lại càng khó khăn hơn, song vì là nghề truyền thống, gắn bó mấy chục năm nên ai cũng quyết tâm “vượt khó” giữ lửa nghề.
“Làm hơn 30 năm rồi, yêu cái nghề này lắm. Có khó thì tìm cách vượt qua chứ sao mà bỏ được. Còn gì vui hơn khi thấy những chiếc bánh tròn trĩnh mình làm ra góp mặt trong các bữa cơm gia đình sum họp ngày Tết. Vậy thôi, cũng thấy vui, ấm áp cho người làm bánh rồi”- cô Liễu tâm tình.
Bài, ảnh: Trà My
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch