Nguyên liệu để làm nên chiếc bánh Bác thơm ngon gồm gạo nếp cái hoa vàng, gấc nếp chín, đậu xanh và đường. Đầu tiên, người ta ngâm gạo nếp khoảng 2 – 3 tiếng rồi xay thành bột mịn, sau đó, lấy một nửa trộn với gấc để làm lớp vỏ và “bác” trên chảo gang. “Bác” là từ dân dã, thường được dùng để chỉ việc rán, chiên… Bánh Bác chính là loại bánh rán bằng tay, người làm phải nắm được kỹ thuật chiên vỏ bánh vô cùng đặc biệt. Đầu tiên, người ta bắc chảo gang rồi thoa lên một lớp mỡ lợn thật mỏng rồi cho bột vào, dàn mỏng và liên tục lật trên chảo nóng bằng tay. Đây là công đoạn khó nhất, nếu không cẩn thận sẽ dễ bị bỏng, nhưng chỉ khi dùng tay, người ta mới có thể cảm nhận được độ chín vừa tới để tạo ra lớp bánh ngon và đẹp mắt nhất.
Công đoạn tiếp theo là đãi sạch đỗ xanh, đồ chín rồi quấy với đường kính thật nhuyễn và nặn thành những thanh hình trụ, dài 20 – 30cm, đường kính khoảng 3cm. Tiếp theo, người ta rải phần vỏ bánh đã bác lên một lớp lá chuối hoặc nilon, trên rắc một lớp mè rang, tiếp theo là lớp vỏ màu đỏ và lớp bột trắng được để lại từ ban đầu; sau đó cuộn lăn hai lớp bột sao cho ôm khít thanh đỗ. Sau khoảng 1 – 2 tiếng, bánh nguội thì dùng dao cắt thành từng khoanh bánh dày 3cm. Điều đặc biệt nhất là khi cắt ra, mỗi chiếc bánh Bác giống như một bông hoa với hai lớp cánh màu trắng, đỏ và nhị vàng ở chính giữa, bên ngoài có điểm những hạt mè xinh xắn khiến chiếc bánh trông càng bắt mắt. Cuối cùng, người ta gói từng khoanh bánh vào lớp nilon và dán lên chính giữa chữ “Hỷ”, “Phúc”, “Lộc”, “Thọ” tùy theo đối tượng hay sự kiện.
Với màu sắc chủ đạo là đỏ, vàng, bánh Bác tượng trưng cho niềm vui, hạnh phúc, sự sung túc và những điều tốt đẹp. Bởi thế, bánh Bác thường được người làng Giang Xá làm trong các dịp quan trọng thay cho lời chúc và những điều mong ước tốt đẹp nhất đến những người mà họ yêu quý. Đó cũng là truyền thống tốt đẹp mà người làng Giang Xá đã gìn giữ, bảo tồn.
Thủy Hương
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch