Xôi ngũ sắc được chế biến dịp lễ, Tết của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả.
Như tên gọi, xôi ngũ sắc được làm với 5 màu: Đỏ, xanh, trắng, đen, vàng. Theo quan niệm của người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long) thì xôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Con số 5 cũng là con số tương sinh, là biểu tượng cho hoà hợp âm dương, trời đất, con người.
Món xôi này được chế biến trong dịp lễ, Tết để bày tỏ lòng biết ơn tới tổ tiên, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa. Người Dao quan niệm màu sắc của món xôi càng đẹp sẽ tượng trưng cho sự phát đạt, thịnh vượng cho gia đình. Năm mới người ăn món xôi này sẽ được may mắn tốt lành cả năm.
Bà Trương Thị Quý (thôn 2, xã Bằng Cả) là người có kinh nghiệm chế biến món này, kể: Tổ tiên người Dao Thanh Y ở đây vốn gắn bó với núi rừng, rất hiểu núi rừng. Nên họ đã tận dụng những sản vật từ rừng để phục vụ cuộc sống. Món xôi ngũ sắc hoàn toàn được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp và những lá cây rừng. Xôi ngũ sắc được xem là một sự kết hợp hoàn hảo giữa màu sắc, hương vị của những sản vật đặc trưng của địa phương.
Theo bà Quý, người Dao coi việc thờ cúng tổ tiên, ngày lễ, tết là vô cùng quan trọng. Việc chế biến món xôi dâng tổ tiên vì thế cũng hết sức cầu kỳ. Nguyên liệu để chế biến xôi ngũ sắc là gạo nếp cái đặc sản. Cuối vụ cấy trồng, dịp cận Tết, người Dao lựa chọn những vạt lúa nếp cái ngon nhất, được trồng cấy trên những thửa ruộng màu mỡ nhất để chế biến xôi. Thóc nếp sau khi được xay xát, chọn hạt gạo trắng to mẩy, tròn đều.
Các bước nhuộm màu xôi ngũ sắc cũng hết sức cầu kì. Gạo được đãi sạch, ngâm kỹ rồi để ráo sau đó các mẹ, các chị người Dao lựa chọn những loại cây để tạo màu cho xôi. Màu trắng tự nhiên của gạo, màu xanh từ lá cây gừng, màu đỏ từ gấc, màu vàng từ cây nghệ, màu đen tuyền từ lá cây thau trên rừng. Trong tất cả các màu thì có lẽ màu đen là màu khó nhất. Màu đen của xôi có bắt mắt hay không còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của người chế biến.
“Để có xôi ngon, các loại cây phải được lấy vào buổi sáng sớm, về rửa sạch, giã lấy nước và nấu kỹ sẽ cho ra các màu sắc đặc trưng. Riêng lá thau phải chọn người lên rừng tìm kiếm lá non về ngâm rồi ủ 1 đêm rồi mới đem giã mới được một màu đen tuyền đẹp mắt. Lá thau không dễ lấy, để tìm hái được lá thau phải là người sạch sẽ, đức hạnh, chăm làm, nếu không lá thau sẽ không xuất hiện” – Bà Trương Thị Quý cho biết.
Gạo được ngâm bằng các loại nước lá trên qua đêm, để ráo rồi cho vào chõ xôi truyền thống, đặt trên các ninh đồng hoặc nhôm để đồ. Xôi có thể được đồ riêng hoặc chung và được lót lá chuối để ngăn cách. Xôi đồ chừng 1-2 tiếng sẽ chín.
Xôi được đồ từ gạo ngon, nhuộm màu tự nhiên, chín sẽ dẻo, thơm, hạt căng đều, mẩy đẹp mắt. Món xôi ngũ sắc đặc trưng của người Dao ăn thơm dẻo, mềm, ngậy nhưng không hề ngấy, cầm không hề dính tay. Du xuân nếu có dịp đến thăm xã Bằng Cả, nhất định du khách đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món xôi ngũ sắc tuyệt vời của đồng bào nơi đây./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch