Đến với vùng đất Bình Định, Quê hương của anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ, ngoài việc tham quan, tìm hiểu các danh thắng – di tích đặc trưng, du khách còn có thể khám phá những vùng đất mới còn hoang sơ mang những vẻ đẹp, đặc sắc riêng của Bình Định, cũng như tìm hiểu giá trị lịch sử hàng ngàn năm của hệ thống Tháp Chăm nơi đây.<!—->
Một vấn đề mà du khách quan tâm không kém khi đến với Bình Định đó là đặc sản địa phương. Đa số du khách khi mua đặc sản nơi đây về làm quà cho người thân đều rất hài lòng vì giá cả vừa phải, còn chất lượng thì “không cần phải bàn”. Đặc sản Bình Định rất đa dạng và phong phú, tuy nhiên những mặt hàng truyền thống, thủ công mỹ nghệ lại được du khách khá quan tâm. Nói đến đây thì không thể bỏ qua một đặc sản rất đặc biệt được làm từ cây tre, xuất phát từ ý tưởng của 1 nghệ nhân đến từ vùng đất An Nhơn – Bình Định.
Như chúng ta biết, từ ngàn xưa tre đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân, là biểu tượng của văn hóa làng xã Việt Nam. Rất nhiều các sản phẩm sinh hoạt hằng ngày của người dân Việt Nam đã được làm từ cây tre. Không chỉ vậy, ngày nay, qua bàn tay khéo léo của người thợ thủ công tre đã trở thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là sản phẩm con tôm làm bằng tre rất được du khách ưa thích, và đây cũng là ý tưởng độc đáo của Nghệ nhân Nguyễn Minh Châu (hay còn được gọi là ông Châu tôm).
Để hiểu thêm về sản phẩm độc đáo này, du khách đến số nhà 364 (số cũ) hay số 490 đường Ngô Gia Tự, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Bước vào ngôi nhà, du khách sẽ phải trầm trồ khen ngợi khi ngắm những chú tôm hùm “y như thật” được chủ nhân ngôi nhà treo dọc 2 bên tường.
Năm nay gần 90 tuổi, nhưng người nghệ nhân có đôi bàn tay cực kỳ khéo léo với rất nhiều sản phẩm thủ công sáng tạo vẫn còn rất minh mẫn. Chia sẻ về nghề này, bác Châu cho biết: “trước khi tạo ra đặc sản tôm tre độc đáo, tôi còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác như: làm những chú chim sẻ từ bông gòn trông y như thật, hoặc đắp tranh nghệ thuật, sau này còn làm cua, cò bằng tre…Dần dần những sản phẩm trên lỗi thời, tôi chuyển qua nghiên cứu những sản phẩm mỹ nghệ khác, và khi tình cờ khi thấy những khoanh tre ngẫu nhiên nằm cạnh nhau rất giống cái lưng của con tôm, ý tưởng làm tôm bằng tre xuất hiện”.
Để có một mô hình tôm hùm tre sinh động như thế này, bác Châu đã đi nhiều nơi để quan sát con tôm hùm thật bơi trong nước, mọi hoạt động của nó được bác ghi nhớ, ghi chép kỹ lưỡng. Sau đó bác mua vài con tôm mẫu (loại tôm vỏ) về để xem cấu tạo ra sao, sau đó mới bắt tay vào làm tôm tre. Những con tôm đầu tiên có thành phần cấu tạo đa phần là tre. Tuy nhiên, theo thời gian, để đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như giá cả phù hợp, bác Châu đã cho ra đời những con tôm hùm to hơn, màu sắc đẹp hơn, nhưng đồng thời thành phần tre trong sản phẩm đã giảm xuống chỉ còn mức 50%. Được biết rằng chỉ riêng công đoạn trang trí cho con tôm không thôi bác đã phải thử nghiệm qua hàng ngàn sản phẩm khác nhau. Nhìn những con tôm hùm sống động đang bò trên tường bác Châu tự hỏi mình “không biết tôm tre và tôm thật con nào thật hơn, đẹp hơn”. Đến năm 1987, chính sản phẩm này đã mang lại cho bác Châu giải thưởng thủ công mỹ nghệ toàn quốc trong một dịp trưng bày tại một hội chợ ở Quảng Ngãi.
Theo bác Châu: phần khó nhất của tôm là tạo dáng cong thật tự nhiên cho lưng tôm. Để làm được như vậy, cần chọn những khúc tre tròn, cưa xéo để chọn những khoanh có kích thước khác nhau, sau đó ghép lại theo thứ tự từ nhỏ đến lớn. Phần đuôi tôm là những miếng tre nhỏ, được chẻ mỏng, vuốt láng, xếp xòe ra. Tuy nhiên khâu chọn và xử lý nguyên liệu vẫn là quan trọng nhất. Tre chọn xong sẽ được ngâm đủ 6 tháng liên tục trong ao. Sau đó cây tre sẽ được cưa ra làm nhiều đoạn, mỗi một đoạn lại được đem tẩm, nhuộm hóa chất. Nhuộm xong, tất cả lại được đem phơi, sấy và được xông hóa chất chống mối mọt. Nguyên liệu hoàn thành sẽ được đánh số và chỉ được đưa vào sản xuất sau đó 6 tháng. Chính nhờ sự kỹ lưỡng này mà con tôm tre của bác Châu có tuổi thọ rất cao, đáp ứng được các điều kiện cơ lý khi gia công.
Giá mỗi cặp tôm hùm dao động từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy theo kích thước sản phẩm. Con tôm hùm lớn nhất mà Bác Châu từng làm dài 750 mm, chưa tính bộ râu, 2 mắt của tôm là 2 bóng đèn chiếu sáng, tuy nhiên sản phẩm này hiện nay gia đình bác ít làm vì giá thành cao, làm rất kỳ công và kén khách.
Hiện nay sản phẩm Tôm tre của cơ sở bác Châu cung cấp lan tỏ khắp nơi trong và ngoài nước như: Đà Lạt, Nha trang, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Mỹ, các nước Đông Âu, Nhật Bản…Người dân Bình Định và du khách có thể dùng tôm tre như món quà tặng người thân nhân dịp tân gia, lễ, tết…Hy vọng với sự thân thuộc và thân thiện từ cây tre, sản phẩm Tôm tre sẽ được biết đến nhiều hơn nữa, như là một đặc sản đặc trưng của vùng đất Bình Định./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch