Nghề làm nem Lai Vung – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: dantri.com.vn
Sở dĩ gần đây, hai món ăn này được nhắc đến nhiều vì “Nghề làm tôm khô Cà Mau” và “Nghề làm nem Lai Vung” vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðiều đó cho thấy giá trị văn hóa và sức lan tỏa của món ăn quê nhà.
Từ bến đò Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) qua bờ Phong Hòa (huyện Lai Vung, tỉnh Ðồng Tháp), chạy thẳng đến vòng xoay Ngã Năm Tân Thành, dễ dàng bắt gặp những tiệm bán nem Lai Vung dọc hai bên đường. Từng chùm xanh xanh bắt mắt, như mời gọi du khách. Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh Ðồng Tháp, nghề làm nem Lai Vung có tuổi đời hơn 60 năm, từ một vài hộ ban đầu làm nem đã lan rộng ra hàng chục hộ, làm thành làng nghề, cho ra thị trường hàng ngàn chiếc nem mỗi năm.
Nhắc đến nem Lai Vung, nhiều người liên tưởng đến các thương hiệu nức tiếng như Giáo Thơ, Út Thẳng, Hoàng Khánh, Thanh Xuân, Thanh Sơn, Cô Hiệp… Họ là những người góp phần hình thành và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khác với nem ở miền Trung và miền Bắc, nem Lai Vung được gói bằng lá chuối, hình vuông, được buộc thành chùm, mỗi chùm 10 chiếc. Nem Lai Vung có vị chua vừa, đậm đà, ăn rất bắt. Ðể có được đặc sản đó, bao thế hệ người làm nem Lai Vung đã “xay giã dần xàng” để tích lũy nên tri thức dân gian quý báu.
Cũng như nem Lai Vung, tôm khô Cà Mau từ lâu đã nức tiếng, được xem là “tốp đầu” trong các loại tôm khô ở vùng ÐBSCL. Tôm khô Cà Mau xưa làm bằng tôm thiên nhiên, chủ yếu là tôm bạc, tôm đất hay tôm sú, tôm thẻ; nay thì do nhu cầu thị trường nên có sử dụng nguồn nguyên liệu tôm nuôi. Hồi xưa, bà con Cà Mau làm tôm khô theo kiểu thủ công như luộc rồi đem phơi, đập vỏ… nhưng nay thì đã được cơ giới hóa trong quá trình sản xuất, giúp giảm nhân công, tăng năng suất. Tôm khô Cà Mau ngon không chỉ vì nguyên liệu tươi ngon mà còn bởi tri thức làm nghề của bà con. Nêm như thế nào khi luộc, phơi đặng nắng ra sao… để có mẻ tôm khô ngon nhất, người trong nghề ở Cà Mau nắm chắc.
Trước đó, nhiều nghề quê làm nên đặc sản miền Tây cũng đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như nghề làm bánh tráng Thuận Hưng (Cần Thơ), nghề gác kèo ong, nghề muối ba khía (Cà Mau), nghề làm nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang)… Những món ăn dân dã từ trong lao động, sản xuất, từ sự cần cù, chịu thương chịu khó của người miền Tây đã trở thành đặc sản, là sản phẩm du lịch. Việc ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia các nghề chế biến món ăn như một sự vinh danh, tri ân bao thế hệ người làng nghề. Người quê kiến tạo nghề quê, nghề quê gìn giữ món quê…
Ðăng Huỳnh
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch