Dưới đây là những món ăn nổi tiếng của Mù Căng Chải mà bạn không thể bỏ lỡ khi tới với mảnh đất vùng cao xinh đẹp này.<!—->
Lợn bản: lợn được nuôi ở các bản làng Mù Căng Chải là lợn đen hay còn gọi là lợn cắp nách, người Mông nuôi lợn đen này theo phương pháp thô sơ, hoang dã, lợn được thả rông ngoài vườn hoặc trên các sườn đồi sau nhà, không có chuồng trại, không được chăm sóc, lợn chủ yếu ăn thức ăn sẵn có trong vườn nhà hoặc trên đồi như rau rừng, ngô, khoai, sắn nên thịt rất săn chắc, thơm và rất ít mỡ.
Vì được nuôi tự nhiên nên loại lợn này khá bé, chỉ khoảng dưới 10 – 15 kg/1 con, một con lợn có thể chế biến được một mâm cỗ với rất nhiều món như luộc, hấp, nướng, ăn kèm với rau rừng như măng, cải … và chấm với muối mắc kén sẽ là điều vô cùng thú vị.
Gà đồi: Cũng giống như lợn bản, gà đồi được nuôi thả tự nhiên trên các sườn đồi sau nhà của người dân tộc bản địa, thịt rất chắc, thơm ngon và không có mỡ, gà khá bé chỉ hơn 1kg/ 1 con, nếu bạn muốn ăn thì bạn nên đặt trước chỗ nghỉ từ tối hôm trước để chủ nhà bắt gà từ đêm hôm trước vì sáng hôm sau gà được thả rông trên đồi sẽ rất khó bắt.
Xôi nếp Tú Lệ: Nếu đến Tú Lệ hoặc các vùng khác của Mù Căng Chải dịp lúa chín, bạn tuyệt đối không được bỏ lỡ món xôi nếp, được nấu từ gạo nếp trồng trên những thửa ruộng bậc thang.
Bạn nên đặt chủ nhà nấu cho món xôi nếp lúa mới (là loại lúa mới gặp về) ăn rất dẻo và thơm, sau khi nấu xong còn hơi nhão vì gạo mới chứa nhiều nước. Nếu bạn ăn xôi mà hơi cứng và khô thì chắc chắn bạn đang ăn gạo được thu hoạch từ năm trước đấy.
Để ăn được loại xôi nếp mới gặt, có thể bạn sẽ phải trả tiền cao hơn 1 chút so với giá chung ở đây, bạn nên đặt chủ nhà sàn hoặc quán ăn để họ chuẩn bị trước.
Cốm Tú Lệ: Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị thật ngọt ngào, thanh mát.
Nhộng ong rừng: Món nhộng ong xào mùng thơm ngon, bắt mắt phải không quá nát, phải giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy của ong, mùi thơm của gia vị, của lá chanh.
Nhộng ong xào mùng không phải mùa nào cũng có, nó chỉ được chế biến vào mùa ong rừng làm tổ và sinh sản (khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Vì vậy với người dân nơi đây, món ăn này còn được xem là đặc sản quý hiếm của núi rừng.
Xôi ngũ sắc: là món ăn phổ biến ở Tây Bắc dịp tết hoặc lễ hội của người dân vùng cao Tây Bắc, điểm độc đáo của món xôi này là việc sử dụng nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu cho xôi.
Để nấu được món này khá cầu kỳ vì thế món này không được bán phổ biến, mà người dân tộc vùng cao chỉ nấu mỗi dịp lễ hội hoặc dịp tết, nếu bạn muốn ăn món này bạn cần đặt trước để chủ nhà chuẩn bị.
Thịt trâu, lợn gác bếp: là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món này thường được làm từ thịt bắp của những chú trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.
Muồm muỗm, châu chấu rang Mường Lò: Có rất nhiều cách để chế biến món ăn ngon từ muồm muỗm. Song muồm muỗm rang giòn vẫn là đặc sản được người dân nơi đây ưa chuộng nhất. Muồm muỗm rang chín có màu vàng sậm, rất thơm. Hay món muồm muỗm om với nước măng chua (hoặc giấm gạo) trên bếp lửa liu riu.
Măng, rau rừng: Măng sặt thon nhỏ, to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào đúng mùa, măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc nên thơm phức./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch