Từ lâu, cá quả không còn xa lạ với người dân Việt Nam, nhất là người dân vùng đồng bằng, ven sông. Cá quả có tên gọi khác nhau theo từng vùng, miền như: Cá chuối, cá lóc, cá sộp, cá tràu, cá trõn… Cá quả ưa sống ở tầng nước giữa và thấp, thích khu vực có nhiều rong cỏ, nước đục… Về hình dáng dễ nhận, đầu cá có đường vân, tương đối nhọn, dài và bẹt giống như… đầu rắn. Vảy cá tạo vân màu nâu xám xen lẫn với những chỗ màu xám nhạt, lưng có màu đen ánh nâu. Cá quả từ lâu đã nổi tiếng là loài cá thơm ngon, mùi vị đặc trưng và có thể chế biến được nhiều món ngon, đặc sắc.
Với cá quả sông Cầm còn đặc biệt hơn. Theo chuyện kể của những người dân bản địa, lão ngư dân ven sông Cầm thì vùng sông Cầm từ lâu có sự giao thoa với nguồn nước các con sông, trong đó có vùng sông Đá Bạc. Nguồn nước sông Đá Bạc có sự giao hòa với nước mặn và chịu ảnh hưởng của thủy triều. Thủy triều lên xuống, đưa dòng sông nước lợ hay còn gọi là “2 nước” này vào sâu, hòa vào với sông Cầm. Điều này khiến các loại cá, đặc biệt là cá quả có nguồn thức ăn phong phú, chất thịt ngon hơn hẳn.
Chính vì thế, từ xưa, cá quả sông Cầm đã ngon có tiếng. Cá quả ở đây chất thịt thơm ngon, đậm đà và chắc thịt hơn hẳn các nơi khác. Trọng lượng cá cũng rất đa dạng, có thể khá lớn, từ 3 – 5kg thậm chí to hơn. Cá quả sống trong tự nhiên ở sông rất khỏe, gần như rất khó câu mà chỉ có thể đánh lưới mới bắt được. Từ xưa, người dân vùng này đã có nhiều cách chế biến cá quả tuyệt ngon, như: Nấu chua, kho riềng hay cá quả nấu chuối đậu… Nhưng sẽ thật thiếu sót khi đã ghé đến Đông Triều, ngang qua sông Cầm mà không thưởng thức cá quả nướng mọi.
Cách chế biến cũng khá đơn giản. Sau khi được làm sạch, bỏ ruột, cá quả được bóp muối cho hết nhớt, rửa sạch, để ráo nước. Nói là nướng mọi, tức là cách nướng trên than hoa đơn giản nhưng cá quả cũng được xử lý khá cẩn thận. Trước hết, cá quả được ướp cùng với gia vị trong khoảng 30-40 phút cho ngấm. Điều đặc biệt, khi chế biến món ăn, đầu bếp sẽ bọc cá quả vào trong lá chuối rồi mới đem nướng trên than hoa. Đây là cách làm sáng tạo để tạo ra sự khác biệt cho món cá nướng. Cách làm này vừa không làm cá bị lửa thui cháy phần da, vừa ngấm và lưu giữ được mùi thơm tự nhiên của lá chuối vào thịt cá khi lá chuối khô và cháy từ từ. Cá có thể nướng 1 tiếng hoặc lâu hơn cho đến khi lớp lá chuối bọc ngoài cháy hết, thịt cá vàng và có mùi thơm là có thể bày lên đĩa và thưởng thức.
Cá quả nướng có thể cuốn với bánh đa nem, gia vị thêm chuối xanh, dứa, dưa chuột, sung muối, xoài xanh. Thức chấm là xì dầu mù tạt hoặc tương bần tùy khẩu vị thực khách.
Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhâm nhi chén rượu cùng cá quả nướng nóng hổi, thơm lừng, ngắm nhìn nhịp sống vùng quê lúa ven sông Cầm thơ mộng thì thật thú vị. Về sông Cầm, bạn đừng quên thưởng thức món ăn dân dã mà hấp dẫn này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch