Chẳng hiểu sao cũng cùng là ốc gạo nhưng chỉ có ốc sống ở cồn Phú Đa mới thực sự hấp dẫn người sành ăn. Có người bảo rằng, đó là do cách chế biến, có người thì nói do môi trường… nhưng ai cũng phải công nhận rằng, nếu mang ốc gạo Phú Đa nuôi ở nơi khác thì thịt không trắng, vỏ không xanh và chất lượng thịt không ngon bằng ở chính “quê hương” của nó – trên dòng Cổ Chiên.
<!—->
Ốc gạo Phú Đa đã nổi tiếng từ những năm 1950-1960. Người ta kháo nhau rằng, ốc gạo tháng năm là ngon nhất. Khi luộc chín, nó có một lớp mỡ trắng bao bọc phần thịt ngọt lịm. Nhiều con còn “mang”, ốc con nằm trong thịt, nhai sột soạt. Đúng là “người Phú Đa vừa khéo vừa khôn” như trong câu ca dao, họ nắm bắt nhanh nhu cầu thị trường, biến món ốc gạo thành nhiều món ăn để khuếch trương thương hiệu ốc Phú Đa, tạo sản phẩm riêng biệt cho du lịch địa phương. Ốc luộc sả là món thường tình, phổ biến. Ngoài ra còn có: ốc gạo Phú Đa um nước dừa, xào bơ, chiên tỏi, tiềm thuốc bắc, làm gỏi… Thậm chí, thịt ốc còn được làm nhân bánh xèo, bánh cuốn nóng. Kể ra, ốc gạo Phú Đa là nguyên liệu chế biến không dưới 20 món.
Tiếng lành đồn xa, hương vị thơm ngon tự nhiên của ốc gạo Phú Đa cộng với tài nghệ nấu nướng của người Phú Đa, món ốc xuất hiện dày đặc trên bàn ăn. Và mùng 5 tháng 5, đến huyện Chợ Lách, du khách đừng quên tìm thưởng thức món đặc sản địa phương này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch