Bàn tay của những người phụ nữ khéo léo bày ra a điên (mâm đan bằng mây) món cơm lam của núi rừng A Lưới, với mùi thơm quyến rũ hòa quyện từ nếp than tím biếc, lá ru rau mọc trong rừng, bọc trong ống tre nướng trên bếp than hồng…
Rất công phu và tinh tế, nên cơm lam nếp than của đồng bào dân tộc thiểu số huyện A Lưới thường chỉ có mặt trong các ngày trọng đại của đời người như cưới, hỏi hay các dịp lễ hội Aza (mừng lúa mới), A riêu ping (cải táng). Để chuẩn bị “mùa” cơm lam cả trăm ống, người phụ nữ nơi bản làng lựa chọn loại thóc đẹp nhất thu hoạch từ giống nếp than truyền thống được tỉa trồng trên rẫy khô sáu tháng, bắt đầu từ mùa hạ cho đến mùa đông, phơi phóng kỹ càng. Sau khi giã, sàng lọc, những hạt nếp tím biếc hoặc đen tuyền tròn trĩnh, không bị gãy mới được “tuyển lựa”.
Những người đàn ông vào rừng tìm tre ống mỏng. Những người phụ nữ cõng gùi tìm hái lá ru rau (loại cây họ hàng với cây bình tinh, nhưng mọc tự nhiên trong rừng). Tất cả các nguyên liệu được đưa về rửa sạch tinh tươm, để ráo nước. Theo kinh nghiệm từ bao đời truyền lại, mùi thơm của lá ru rau, của nếp than trên rẫy khô được tuyển chọn kỹ lưỡng, bọc trong ống tre mỏng, nướng trên bếp lửa đượm hồng, khi “tới” sẽ tỏa mùi thơm quyến rũ, tinh tế.
Mặt trời khuất dần sau dãy núi là lúc những người phụ nữ mang nếp ra ngâm. Những bếp củi đã sẵn sàng trong nhà dài (nhà cộng đồng của người Pa Cô), nhà rông (Tà Ôi), nhà gươl (Cơ Tu). Củi cũng phải được lựa chọn. Đó là loại củi tốt, đủ độ chắc có thể cháy đượm, bếp than hồng có thể bền bỉ suốt mấy tiếng đồng hồ. Và lúc núi rừng vẫn ngủ say trong gió núi giá rét, thì không khí trong nhà cộng đồng đã sống động. Những bàn tay phụ nữ khéo léo bắt đầu luồn lá ru rau xung quanh lòng ống tre trước khi tỉ mỉ cho vào từng nhúm nhỏ nếp đã ngâm mềm, xóc ráo nước. Ống tre cũng được “khóa” bởi lá ru rau mềm mại. Cánh đàn ông nhóm lửa. Trên than hồng, những chiếc ống nứa được trở liên tục để ống nứa không hề bị cháy mà cơm thì vẫn chín mềm, dẻo thơm.
Trời vừa hửng sáng. Bên bếp lửa, những đôi má đã kịp hây hây đỏ thì cũng là lúc món cơm lam nếp than tỏa mùi thơm ngọt ngào. Những bàn tay lại khéo léo chẻ ống tre, bày cơm tím biếc, dẻo thơm trên lá chuối rừng đã được hơ trên than hồng cho mềm mại, đặt vào a điên, là chiếc mâm đan bằng mây dân dã. Món cơm lam nếp than tinh tế, quyến rũ sẽ được đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng núi cao A Lưới trước tiên dâng lên cúng các vị thần trời đất.
Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới chia sẻ: Công phu như vậy nên món ăn này chỉ có mặt trong dịp cưới hỏi, các lễ hội. Nhưng vì sự tinh tế và nét riêng biệt đặc trưng nên cơm lam nếp than của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới hấp dẫn du khách. Vậy nên không chỉ phục vụ cơm lam nếp than cho nhiều khách du lịch đến với bản làng, người dân A Lưới còn “mang” cơm lam nếp than đến quảng bá tại các kỳ festival Huế và được du khách thích thú thưởng thức. Festival Huế vừa qua, 50 ống cơm lam nếp than A Lưới đã “theo chân” du khách vào TP. Đà Nẵng. Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số A Lưới qua món cơm lam nếp than sẽ từ núi rừng “đi xa” hơn nữa./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch