Thịt lợn gác bếp, muối kiến vàng, rượu cần là văn hóa ẩm thực không thể thiếu trong ngày lễ, Tết của người Jrai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Với người Jrai, Tết là khoảng thời gian sum vầy quanh ghè rượu cần, thưởng thức vị ngọt quyện mùi khói bếp của món thịt lợn phơi khô, qua đó thắt chặt tình đoàn kết trong buôn làng.
Thông thường, mỗi gia đình sẽ làm thịt một con lợn được nuôi từ đầu năm. Công đoạn làm thịt lợn được giao cho những người đàn ông trong gia đình. Thịt lợn được cắt ra thành từng miếng, sau đó tẩm ướp gia vị.
Gia vị để tẩm ướp món thịt lợn gác bếp gồm gừng rừng, riềng rừng, ớt khô, tiêu, bột ngọt và muối. Thịt phải được ướp ngay sau khi cắt miếng để giữ độ tươi.
Chị em trong làng sẽ trộn đều miếng thịt lợn cùng hỗn hợp gia vị cho thấm. Sau khi ướp gia vị 3-4 tiếng, thịt được xiên vào những que nứa vót nhọn rồi gác trên bếp than. Khoảng 1-2 ngày sẽ trở thịt, xoay vòng cho thịt khô đều, sau 5-7 ngày thịt khô nước và bắt đầu ăn được.
Thịt lợn gác bếp được đồng bào dân tộc thiểu số đem nướng trên bếp than hồng, đến khi dậy mùi thơm là có thể dùng được. Nướng xong, người Jrai lấy chày đập cho hơi dập làm mềm thịt rồi xé sợi để ăn. Nhìn bên ngoài có vẻ thịt khô, cứng, tuy nhiên khi ăn, thịt lợn gác bếp vẫn giữ được độ mềm, thơm, ngọt.
Thịt lợn gác bếp được chấm với muối kiến vàng, cũng là đặc sản vùng đất Tây Nguyên. Kiến vàng sống trên một số loại cây rừng, được người dân bắt về đem rang lên và giã chung với muối, ớt, bột ngọt, sau đó hong trên bếp cho khô rồi ăn dần. Muối có vị chua của kiến, vị đậm của muối và cay của ớt, tạo nên hương vị rất riêng.
Thịt lợn gác bếp xé sợi chấm với muối kiến vàng là món ăn không thể thiếu trong ngày lễ, Tết của người Jrai tại Gia Lai bởi khí hậu vùng này luôn se lạnh, ngày Tết nhân dân quây quần bên nhà Rông, rồi tới từng nhà trò chuyện. Mỗi nhà đều có những món ăn truyền thống nhưng không thể thiếu rượu ghè và lợn gác bếp.
Chị Rơ Châm July, 33 tuổi, làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ vào gần dịp Tết, gia đình chị quây quần làm món thịt lợn gác bếp. Khi ấy, không khí trong gia đình thật vui vẻ, phấn khởi.
Chị July cho biết thêm, món thịt lợn gác bếp được du khách nhiều nơi thích nên một số người đã nhờ chị làm hộ. Vì gian bếp không chứa hết lượng thịt khách hàng đặt, chị đã làm thêm một chiếc lò quây bằng tôn để tiện hong khô thịt. Cứ 3 kg thịt tươi được 1kg thịt khô thành phẩm.
Mỗi lần đốt lò, chị dùng củi cây càphê hoặc bã mía, vì vậy cho ra hương vị thịt không khác thịt gác bếp của gia đình. Khách hàng các nơi mang về, nếu muốn thịt mềm hơn có thể đem hấp trước rồi nướng bằng bếp than hoặc lò nướng. Thịt chín, người dùng xé sợi và dùng kèm muối kiến vàng. Mỗi kg thịt lợn được bán với giá 440.000 đồng.
Thịt lợn gác bếp ở đây có vị khác so với nhiều nơi là do thịt được hun dưới củi cây càphê, bã mía vì vậy có vị đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đại ngàn.
Tết là thời điểm mọi người sum vầy bên nhau sau một năm lao động vất vả. Với người Jrai, Tết là thời gian kết nối cộng đồng, đồng bào quây quần bên mái nhà Rông, cùng thưởng thức hương rượu cần, món thịt lợn gác bếp đậm đà…/.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch