Với học sinh thân yêu, thầy Tưih luôn gần gũi, hết lòng giúp đỡ vì sự tiến bộ của trẻ em vùng cao. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Thái Kim Nga
Vào dịp nghỉ Hè, nếu về với làng Dur, xã Glar, huyện Đắk Đoa, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh người thanh niên mà trẻ em trong làng vẫn thường gọi là thầy giáo Tưih (giáo viên trường tiểu học xã Glar) đang say sưa kẻ, vẽ, viết trên những trang giấy trắng. Thật ra, công việc thường nhật của người thanh niên này không chỉ là soạn ra những trang giáo án để chuẩn bị cho năm học mới, mà anh còn tỉ mỉ thiết kế nên những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo, cách tân, rất phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện nay. Đây có thể xem là ý tưởng mới lạ, cách làm hay, hiệu quả để đưa sản phẩm trang phục thổ cẩm làng Dur vươn ra khắp mọi miền đất nước, qua đó, trực tiếp giúp cho nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Ba Na không bị mai một trước sự thay đổi của thời gian.
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Tưih bộc bạch: “Từ nhỏ, mình đã thích nghề dệt thổ cẩm, nhưng vì đây là công việc dành cho phụ nữ, nên gia đình không cho đụng tay vào. Chính vì vậy, mình đã theo nghề giáo viên với mong muốn khi ra trường được về quê hương dạy chữ cho các em trên mảnh đất khó khăn này. Tuy nhiên, trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm truyền thống bị mai một, mình vẫn âm thầm nghiên cứu, cố gắng tìm tòi, học hỏi để giữ cho được cái nghề ông bà, tổ tiên để lại. Cứ như thế, như mối duyên ràng buộc, những tấm thổ cẩm cứ cuộn chặt lấy mình với niềm say mê vô điều kiện”.
Từ xa xưa, người Ba Na ở làng Dur nói riêng, cả vùng phía Đông của tỉnh Gia Lai nói chung thường vào rừng lấy vỏ cây, dây mây về để dệt nên những tấm thổ cẩm kết thành quần, áo, váy, khố để mặc. Mọi nguyên liệu làm nên tấm vải độc đáo ấy đều được bà con chắt chiu từ tự nhiên, thô sơ nhưng bền chặt.
Trải qua thời gian, với sự trợ giúp của máy móc và kỹ thuật, những tấm thổ cẩm dệt thủ công ngày càng trở nên tinh xảo và đa dạng về màu sắc hơn (thổ cẩm truyền thống của dân tộc Ba Na có 3 màu chủ đạo là đỏ, đen và trắng). Mặc dù vậy, qua “lăng kính” của những người trẻ tuổi như thầy giáo Tưih thì muốn duy trì và phát triển nghề thổ cẩm truyền thống, điều tiên quyết là phải tạo nguồn thu nhập ổn định. Mà, muốn có nguồn thu nhập ổn định thì phải đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để có “chỗ đứng” trên thị trường.
Từ suy nghĩ này, thầy Tưih đặc biệt quan tâm đến áo cưới thổ cầm truyền thống kết hợp nhiều chi tiết hiện đại. Theo thầy Tưih, cuộc sống hiện đại đã cuốn người làng vào những gánh nặng mưu sinh, nét văn hóa nói chung, nghề dệt thổ cẩm truyền thống nói riêng vì vậy cũng đang dần bị mai một. Trăn trở và hành động, thầy Tưih đã lên ý tưởng làm mới trang phục thổ cẩm truyền thống theo xu hướng hiện đại, đa dạng mẫu mã, phù hợp với thị hiếu của giới trẻ hiện nay, nhưng vẫn giữ được những đường nét truyền thống.
“Mình muốn tạo ra những mẫu thiết kế thổ cẩm trẻ trung, hiện đại, hợp với thời trang, nhưng không làm mất đi giá trị của thổ cẩm mà ông bà tổ tiên đã tạo nên từ ngàn xưa. Khi đôi bạn trẻ được khoác lên mình bộ trang phục đám cưới được thiết kế từ chất liệu thổ cẩm truyền thống sẽ luôn cảm thấy tự hào vì nét đẹp văn hóa của quê hương mình” – Thầy giáo Tưih chia sẻ.
Bộ trang phục cưới thổ cẩm đầu tiên được thầy giáo Tưih thiết kế là dành cho bố mẹ mình mang trong dịp kỉ niệm ngày cưới. Sản phẩm này là sự kết hợp hài hòa giữa những đường nét truyền thống mang tính cổ điển với các đường viền hiện đại. Từ “tác phẩm” đầu tay này, chàng trai trẻ người dân tộc thiểu số Ba Na tiếp tục mày mò nghiên cứu, sáng tạo nên những bộ trang phục làm bằng chất liệu thổ cẩm dành cho các lứa tuổi. Thậm chí, anh còn có ý tưởng táo bạo là khi hội đủ các điều kiện sẽ đăng ký thương hiệu cho trang phục thổ cẩm của làng Dur, xã Glar để vừa đưa sắc màu thổ cẩm vươn xa đến mọi miền đất nước, nhưng vẫn giữ được “cốt cách” của dân tộc mình.
Thầy giáo Tưih giới thiệu sản phẩm của mình với khách hàng. Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021. Ảnh: Thái Kim Nga
Do phải tập trung vào công việc giảng dạy ở trường lớp nên phần lớn áo, váy cưới thổ cẩm đều được mẹ và chị gái trong gia đình hỗ trợ dệt thủ công. Rất bình dị và mộc mạc, khi đã thiết kế xong bộ trang phục nào đó, thầy Tưih “trưng dụng” luôn những người thân trong gia đình làm “người mẫu” để chụp ảnh, sau đó đưa lên mạng xã hội. Mới đây, bộ ảnh kỉ niệm ngày cưới của bố mẹ anh đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Ngoài tình yêu với thổ cẩm truyền thống, thầy Tưih còn là giáo viên trẻ năng động, sáng tạo với nhiều hoạt động hướng đến sự phát triển toàn diện cho học sinh vùng cao. Ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar chia sẻ với chúng tôi: “Sinh ra và lớn lên trên đất làng, nên thầy Tưih hiểu rất sâu tâm lý của phụ huynh và học sinh trên địa bàn mình. Thường vào mỗi mùa gieo trồng và thu hoạch, học sinh đồng loạt nghỉ học để lao động phụ giúp cha mẹ. Cùng với Ban giám hiệu và các đồng nghiệp, thầy Tưih phải đi gõ cửa từng nhà, lên tận nương rẫy để vận động học sinh đến lớp. Các cháu học sinh trên địa bàn thường nói với nhau rất thích học thầy Tưih vì tính tình của thầy hòa đồng, hoạt bát, hay tổ chức nhiều trò chơi tập thể phù hợp với sở thích của trẻ em trong làng. Thầy Tưih vừa là giáo viên dạy giỏi, vừa là người tâm huyết, có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Thái Kim Nga
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch