Bà H’Yam Bkrông giới thiệu sản phẩm của HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông. Ảnh: Phúc An
HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông thành lập năm 2023 với 10 thành viên, đến nay, HTX đã có 45 thành viên. Trải quan bao thăng trầm, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông từng bước đứng lên, khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều phụ nữ dân tộc Ê Đê trong các buôn làng.
Bà H’Yam Bkrông, Gám đốc HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông chia sẻ: “Khi tôi còn làm cán bộ phụ nữ buôn, phụ trách việc đi thuê mượn trang phục truyền thống phục vụ các chương trình văn hóa, văn nghệ. Đi khắp buôn chỉ còn vài bộ trang phục đã cũ, tôi nhận ra thổ cầm truyền thống đang dần mất đi. Phụ nữ trong buôn dường như không còn ai dệt vải. Tìm hiểu qua người lớn tuổi, đến các buôn vận động người có tay nghề hỗ trợ truyền dạy, năm 2003, tôi và một chị thành lập HTX. Được nghệ nhân trong vùng tích cực truyền nghề, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ vốn mua nguyên liệu, khung dệt…, vừa học hỏi, vừa đúc rút kinh nghiệm, cứ như vậy, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông dần phát triển”.
Từ các công đoạn thủ công tạo ra những sản phẩm truyền thống, HTX tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu làm phong phú thêm sản phẩm thổ cẩm bằng việc cắt may. Sản phẩm của HTX ngày càng đa dạng từ y phục nam nữ, túi xách, cà vạt, khăn trải bàn đến túi đựng hạt thơm, gối tựa lưng, áo dài, quần áo trẻ em… Tất cả các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu dệt, may, thêu hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, sản phẩm của HTX có chỗ đứng, đầu ra ổn định tại thị trường trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, giá thành sản phẩm vừa phải, cạnh tranh được với thị trường nhưng vẫn giữ nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Ê Đê. Năm 2016 – 2017, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông mạnh dạn vay vốn đầu tư thêm 5 máy dệt và các máy xếp sợi, máy cuộn thoi, máy cuộn sợi… phục vụ sản xuất. HTX dần phát triển ổn định, có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường, không chỉ giúp các thành viên có thu nhập ổn định, mà còn tạo việc làm thêm cho nhiều phụ nữ biết dệt, may trong các buôn.
Gia đình chị H’Tuyết Êban (sinh năm 1980) ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao chỉ có vài sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, thu nhập chẳng được là bao. Nhưng vì không có vốn đầu tư cải tạo vườn cây nên cuộc sống gia đình chị cứ khó khăn mãi. Vợ chồng chị đi làm thuê trang trải cuộc sống, nuôi con cái học hành. Tham gia học nghề dệt thổ cẩm, rồi gắn bó với HTX từ những ngày đầu thành lập, gia đình chị đã có cuộc sống ổn định hơn.
Chị H’Tuyết chia sẻ: “Ngày nhỏ, mình được mẹ dạy dệt thổ cẩm, mình rất thích. Nhưng lớn lên, cuộc sống gia đình khó khăn, sản phẩm thổ cẩm cũng chủ yếu để phục vụ gia đình chứ không bán được. Tham gia HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông mình đã giao việc nương rẫy cho chồng để tập trung dệt các sản phẩm thổ cẩm. Để đa dạng sản phẩm, mình còn học thêm nghề may, ban ngày thì đứng may, tối đến dệt thổ cẩm. Biết dệt thổ cẩm, biết may, mình vừa có công việc yêu thích, phù hợp với sức khỏe, vừa giữ được nghề truyền thống của dân tộc và có thu nhập ổn định. Cuộc sống của gia đình mình dần ổn định, ngày càng đầy đủ hơn”.
Nỗ lực tìm kiếm, mở rộng thi trường, tích cực tham gia các hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm thổ cẩm của HTX, 2 năm gần đây, du khách trong và ngoài tỉnh tìm đến không chỉ mua sản phẩm thổ cẩm, mà còn trải nghiệm đời sống văn hóa của dân tộc Ê Đê, sản phẩm thổ cẩm của HTX cũng được biết đến nhiều hơn.
Thành viên HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông hoàn thiện các sản phẩm trang phục truyền thống. Ảnh: Phúc An
Ngoài nghề dệt thổ cẩm truyền thống, tận dụng những lợi thế của địa phương về phát triển du lịch, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông còn xây dựng trang trại nuôi gà, lợn thả vườn. Hiện, HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng khu du lịch cộng đồng trên địa bàn buôn Tơng Jú với 3 nhà sàn trưng bày nhạc cụ, vật dụng lao động sản xuất, dụng cụ dệt vải, dụng cụ săn bắt của đồng bào Ê Đê. Khách du lịch đến đây vừa được thực hành dệt thổ cẩm, được tham quan trải nghiệm đời sống, xem nghệ nhân tạc tượng và được thưởng thức món ăn truyền thống, rượu cần của người Ê Đê do chính các xã viên tự làm.
Là thành viên trẻ nhất của HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Phê Đê Bkrông (sinh năm 1999) tự hào khi giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình và có kinh phí trang trải cuộc sống. Chị H’Phê bảo: “Mình được học dệt tại gia đình từ khi còn nhỏ, biết dệt năm 16 tuổi. Tham gia HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông đã giúp mình có tiền trang trải học hành suốt mấy năm qua. Bây giờ, mình đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, mình vẫn dệt để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Các thành viên làm việc tập trung tại HTX với mức lương cố định 4 – 5 triệu đồng/tháng, còn những người dệt thủ công bằng khung gỗ tại nhà thì trả công theo sản phẩm, thu nhập tối thiểu cũng được gần 3 triệu đồng/tháng”.
Với mức thu nhập ổn định từ HTX, cùng với phát triển kinh tế gia đình đã giúp cho các xã viên tăng thêm thu nhập, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đồng thời, giữ gìn được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Từ đa phần xã viên là hộ nghèo, đến nay, HTX dệt thổ cẩm Tơng Bông chỉ còn 2 xã viên thuộc diện nghèo.
Phúc An
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch