Nhắc đến cao nguyên Mộc Châu không thể không nhắc đến hoa ban, loài hoa với sắc trắng thuần khiết thường nở vào tháng ba, được mệnh danh là linh hồn của núi rừng Tây Bắc. Cũng không thể không nhắc đến măng đắng, sản vật đặc trưng của núi rừng, mang vị đắng chát nhưng qua cách chế biến tài tình của đồng bào dân tộc lại trở thành một món ăn độc đáo. Một thứ mang vẻ đẹp ngọt ngào, một thứ mang hương vị đắng chát, hai sự vật gắn kết với nhau trong câu chuyện tình yêu cảm động.<!—->
Dân tộc Thái ở Tây Bắc vẫn lưu truyền câu chuyện tình giữa chàng Khôm (hay Khum, tức là đắng) và nàng Ban (hay Bok, tức là hoa). Chàng Khôm sinh ra trong một gia đình nghèo khổ nhưng chàng là người chăm chỉ làm ăn, giỏi đi nương và săn bắn thú rừng, lại có tài thổi khèn. Tiếng khèn của chàng làm nức lòng biết bao cô gái trong bản. Rồi chàng lọt vào mắt xanh của nàng Ban, người con gái đẹp người đẹp nết có giọng hát hay nhất vùng. Nhưng cha Ban chê Khôm nghèo khó đã hứa gả nàng cho Tạo bản. Nàng Ban không đồng ý, đã cùng chàng Khôm chạy trốn vào rừng sâu quyết bảo vệ tình yêu của mình.
Biết hai người bỏ trốn, Tạo bản vô cùng tức giận cho người truy đuổi quyết bắt nàng Ban về. Chàng Khôm dẫn nàng Ban đi mãi, đi mãi mà vẫn bị săn đuổi, đến lúc đói, mệt, kiệt sức không thể đi được nữa, hai người đã gục ngã bên nhau. Từ nấm mộ của hai người mọc lên một cây vầu cho những mầm măng có vị đắng, và một cây hoa trắng ngần tỏa hương thơm ngát, lá hình trái tim chung đôi xanh mượt. Dân bản đặt tên loài hoa này là Bok Ban (hoa đẹp), gọi cây măng là Nó Khôm (măng đắng). Măng đắng – hoa ban trở thành biểu tượng của tình yêu son sắt thủy chung, của lời hẹn ước sống chết không rời.
Cứ vào tháng ba hàng năm, hoa ban lại bừng nở trắng xóa, mang đến cho Tây Bắc vẻ đẹp thơ mộng quyến rũ đến lạ kì. Hoa ban còn là nguyên liệu để chế biến những món ăn ngon, gắn với nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Bên cạnh đó, măng đắng cũng chính là một sản vật đặc biệt, món ăn không thể thiếu trong mâm cơm truyền thống của người Thái. Đồng bào nơi đây vẫn thường lấy măng đắng ngâm trong nước hoa ban thì vị đắng không còn, thay vào đó là thoảng vị ngọt nhẹ. Đặc sắc nhất có lẽ là món nộm hoa ban, vị đắng của măng xen lẫn vị ngọt bùi của hoa ban để lại dư vị khó quên.
Măng đắng – hoa ban từ lâu đã gắn bó với dân tộc Thái cả trong đời sống vật chất lẫn nét đẹp tâm hồn. Vị đắng của măng dễ khiến người ta bâng khuâng cảm khái cho một mối tình tuyệt vọng, nhưng lại bừng nở trong hương thơm dịu dàng của hoa ban, biểu tượng của tình yêu trong sáng, thủy chung. Lên Mộc Châu thưởng thức hai sản vật này, nghe kể chuyện tình măng đắng – hoa ban, du khách sẽ có những trải nghiệm riêng, và hiểu hơn về vẻ đẹp của núi rừng Tây Bắc./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch