Với bề dày lịch sử hơn 400 năm, trải qua không ít thăng trầm của lịch sử, những người dân hiền hòa chất phác, giản dị luôn tự hào với tên gọi Hội Kỳ, nơi được bảo vệ của những rặng tre, sự bao bọc của dòng Ô Lâu hiền hòa và nơi có những ngôi nhà rường cổ độc đáo hiếm có.
Làng Hội Kỳ có diện tích đất tự nhiên là 258,4 ha và có 104 hộ đang sinh sống với nghề nghiệp chính là sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn lưu giữ những di sản vật thể vô giá vừa cổ kính vừa đồ sộ. Hiện nay làng có đến 26 ngôi nhà rường cổ làm bằng gỗ quý cổ kính, đồ sộ có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật.
Nhà rường của ông Dương Văn Mạnh là một trong những ngôi nhà rường cổ nhất của làng (khoảng 200 năm) và đã có 5 thế hệ sinh sống, đến đời thứ 3 đã được sửa sang lại (khoảng 110 năm), ông Mạnh là thế hệ thứ 4 sinh sống, bảo quản và hương khói. Ngôi nhà có tên là Tích Khánh Đường (tạm dịch: nơi hội tụ niềm vui). Tích Khánh Đường có bề ngang 12,3m, rộng 9,5m với lối kiến trúc 3 gian 2 chái, cột được làm từ gỗ mít, rui được làm bằng gỗ kiềng, đòn tay được làm bằng gỗ ten mật và được lợp bởi 45.000 viên ngói liệt. Gian giữa là nơi thờ tự có treo bức hoành phi ghi chữ “Tích Khánh Đường” bằng Hán tự, trên bàn thờ còn đầy đủ những tự khí cổ như đỉnh đồng, bát nhang, chân đèn và bình hoa… Hai bên có 4 bốn bức liễn chữ Hán mang tính giáo dục cháu con đời sau (tạm dịch: Con cháu xây dựng phúc ấm vĩnh cữu/Để tiếng thơm lưu truyền cõi thiên thu/Sống có hiếu mang đức sáng truyền lại/Thi thơ vẹn toàn xứng danh gia tộc).
Không chỉ là những ngôi làng của những nhà rường cổ hiếm gặp, Hội Kỳ còn có hệ thống đình, miếu và nhà thờ của các dòng họ nghiêm trang, cổ kính. Các kiến trúc này đều có mái lợp ngói liệt, bên trong có những bàn thờ, khán thờ làm bằng gỗ được chạm khắc công phu. Du khách đến Hội Kỳ còn có thể tham quan Lăng của bà Dương Thị Ngọt – vợ của vua Thành Thái và cây xoài hơn 300 tuổi – cây cổ thụ lâu đời nhất của làng./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch