Không rõ bánh Sakaya có mặt trong ẩm thực người Chăm từ khi nào, chỉ biết vào những dịp lễ hội như Katé, đám cưới, đám tang… bánh mới được làm để cúng và đãi khách. Đặc biệt, bánh chỉ dùng để đãi những khách quý, trẻ nhỏ ít được cơ hội thưởng thức.<!—->
Để có được chén bánh Sakaya thơm phức, khâu đầu tiên phải chuẩn bị nguyên vật liệu làm gồm trứng, đường, đậu phộng rang và gừng giã nhuyễn. Những bà mẹ Chăm khéo tay sẽ chọn trứng vịt loại to và tươi. Đậu phộng hạt đem rang chín rồi đem giã sao cho hạt bẻ làm ba, làm bốn là vừa. Gừng tươi giã thật nhuyễn đựng trong chén nhỏ để chuẩn bị trộn với hỗn hợp trứng.
Trứng được đập ra trộn với đường và đánh sao cho thật nhuyễn, nếu không, sau khi đem hấp đường sẽ đọng lại làm bánh mất ngon và không đẹp mắt. Hỗn hợp này có màu vàng, sền sệt, được pha thêm đậu phộng rang cùng gừng giã nhuyễn. Bánh Sakaya nhất thiết phải có gừng với lượng vừa đủ. Gừng giã nhuyễn trộn với bánh sẽ tạo mùi vị rất đặc trưng.
Sau khi trộn đều hỗn hợp trứng, đường, đậu phộng rang và gừng giã nhuyễn, công đoạn cuối cùng là đem đi hấp. Hỗn hợp này được cho vào những chiếc chén nhỏ, đem bỏ vào nồi chưng cách thủy, lửa riu riu. Khoảng 10 phút sau, khi nồi nước sôi sùng sục, khói bốc lên nghi ngút sẽ lan tỏa mùi thơm thoang thoảng của bánh. Mở nắp nồi, dùng đũa châm vào bánh để bánh chín đã chín chưa. Bánh chín màu vàng đẹp mắt, phảng phất mùi thơm của đậu phộng và gừng.
Đến đây, chén bánh Sakaya thơm phức được bưng ra, đặt trịnh trọng trên mâm cúng “salao takai” truyền thống của người Chăm. Mùa Katé, anh em đi làm ăn xa về nhà quây quần bên gia đình. Đại diện dòng họ sẽ làm lễ “éw muk kei” (cúng gia tiên). Trên bàn cúng có bánh tét (tapei anung), hoa quả, rượu, và không thể thiếu Sakaya.
Bà con lâu ngày gặp mặt, câu chuyện được bắt đầu bằng lời chào, hỏi thăm sức khỏe, công việc làm ăn. Lúc này, bánh Sakaya sẽ được bưng ra để mọi người cùng thưởng thức lúc còn nóng mới ngon. Bánh Sakaya cùng tách trà nóng là sự kết hợp thú vị nhất. Bánh ngon có vị ngọt của đường, vị béo ngậy của trứng và đậu phộng kèm hương thơm của gừng, mang đến cho thực khách mùi vị quê hương, đậm đà tình cảm của người Chăm.
Những chiếc bánh ngọt khác, người ăn một hai cái đã thấy ngán nhưng với bánh Sakay của người Chăm, ăn đến 4-5 chén mà vẫn còn thèm và luyến tiếc. Câu chuyện cứ kéo dài, tách trà thường xuyên được châm nước nóng để thưởng thức bánh Sakaya đến khi nào tiệc tan, mọi người xin phép nhau ra về.
Nếu có dịp ghé làng Chăm, bạn hãy nhờ bà mẹ Chăm khéo tay làm mấy chén bánh Sakaya thật ngon để thưởng thức và làm quà./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch