Ngọt ngào chén chè ngày mưa bão.
Dáng ai mặc áo mưa phủ tới gót, đầu đội nón lá, quen quá – chao ôi dì Năm. Chiếc áo mưa bạc phếch của dì làm cả sân nhà chiều mưa bão giăng tối om bỗng ấm áp lạ. Dì ghé lại cho vài ký đậu đen với nếp nương, bảo nấu cho cả nhà ăn ấm bụng. Mỗi lần nhận quà “cây nhà lá vườn” của dì đều xúc động, nhất là những món gắn liền với tuổi thơ.
Nhà dì đông con, bên cạnh trồng lúa, dì chăm từng đám khoai, luống rau, luống đậu để cải thiện thêm đời sống. Dì biết tôi và má thích chè đậu đen nên năm nào cũng vậy, dì dành riêng một vạt rẫy để trồng. Đến mùa vụ, những trái đậu đen chỉ to bằng nửa đầu ngón áp út được dì hái về phơi khô để dành dùng quanh năm và cho bà con mỗi người một ít, riêng tôi bao giờ cũng được phần nhiều.
Có rất nhiều món ăn được chế biến từ đậu đen. Mỗi khi giỗ chạp, cúng quẩy thế nào nhà tôi cũng nấu món xôi đậu đen. Rồi những hôm nhà có khách, má đãi món hầm (gà, vịt..) nhất thiết phải thêm nhúm đậu đen mới đúng điệu. Tôi lại rất giống ông ngoại, sinh thời ông cũng ghiền chè đậu đen má nấu. Tuy nhiên vì công việc đồng áng bận rộn nên thi thoảng ngày giỗ, chạp hoặc mưa gió rảnh rỗi má mới nấu chè đậu đen.
Chè đậu đen tưởng chừng rất dễ nấu nhưng không phải ai nấu cũng ngon. Nguyên liệu chính làm nên chè đậu đen vốn khá giản đơn, gắn liền với tên gọi của nó. Chỉ chừng vài lon đậu đen, ít lát gừng và đường cát vàng. Theo kinh nghiệm, dùng đường cát màu vàng nấu chè giúp chè khi chín có màu bắt mắt, tạo nên vị ngọt thanh hòa quyện cùng hương thơm nồng của gừng… Bưng chén chè thơm nức, chừng như đang hít hà hương vị đồng quê cứ phảng phất.
Để chuẩn bị cho món chè vào sáng mai, ngay từ đêm trước má đã chọn những hạt đậu căng tròn, lựa bỏ hạt lép hoặc sâu rồi ngâm qua nước ấm có ít muối. Khi trời chưa sáng tỏ, má đã dậy lục đục nhóm bếp, đem đậu đen rửa sạch, nhặt bỏ những hạt hỏng rồi cho vào nồi. Đậu sau khi chín mới thả đường vào. Nồi chè kêu sục sục vẫn để sôi thật nhỏ lửa trong khoảng mươi lăm phút cho thấm đường, thỉnh thoảng khuấy cho đều tay.
Má thường dặn dò, muốn ăn “đặc” một tí có thể thêm ít bột bắp đã hòa tan với nước rồi cho vào nồi chè đã chín, khi chè sánh lại là ngừng lửa ngay. Người chế biến chỉ cần sơ ý khuấy già tay một chút, chè sẽ mất đi hương đồng dịu dàng của đậu, vị ngọt thanh của đường.
Khi thành phẩm, nồi chè có màu đậm đen sóng sánh, hạt đậu chín nhừ, mềm nhưng còn nguyên vẹn. Nếu cầu kỳ hơn, chuẩn bị trái dừa già cơm đem bào sợi. Một nửa cơm dừa dùng để nấu nước cốt, má tranh thủ ra vườn hái ít lá dứa rửa sạch thả vào nồi cho thơm. Múc chén chè đậu đen, rưới ít cốt dừa thả thêm vài sợt dừa bào, ngồi nhâm nhi nghe mưa ngoài mái hiên còn gì bằng.
Công việc bộn bề kéo chúng tôi ngày một xa quê. Dẫu vậy, hàng năm chúng tôi đều dàn xếp công việc về với quê nhà. Lần này về quê trúng đợt mưa bão nhưng thật thú vị khi lại được ngồi bên bếp lửa hồng chăm chú xem má nấu chè từ những hạt đậu dì trồng.
Từng chén chè bé bé, xinh xinh không biết từ bao giờ đã trở thành nỗi nhớ của người xa quê mỗi khi tiết trời chuyển mùa. Chợt tôi nhận ra hạnh phúc thật bình dị khi được trở về mái nhà xưa, có má đợi nơi chái bếp, nấu cho những món ngon thơ ấu. Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để bước xuống phố với bao bộn bề mà lòng vẫn an vui.
Phan Thị Thanh Ly
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch