Nhưng quê mẹ tôi, từ ngày xưa, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, mỗi gia đình lại tự sản xuất một món quà để trong nhà dùng, không bán. Ngày nhỏ, tôi đã được hơn một lần thưởng thức món quà này, và nó đã đi thẳng vào ký ức tuổi thơ của tôi. Đó là món bánh mè.
Món bánh này tuy cách làm rất mộc mạc, nguyên liệu thì đơn giản, chỉ nếp với mè (vừng), người dân quê ngoại tôi gọi một cách trân trọng là “bánh”. Thực ra, nó gần với kẹo hơn, hoặc nó đi giữa bánh và kẹo.
Trẻ con quê tôi đặc biệt mê món bánh mè, mỗi đứa cứ thủ dăm miếng bánh nhỏ, ăn vừa dòn vừa thơm. Có mè rang lại kèm thêm chút vị béo, nếp rang giã thì bùi, âm thanh khi trẻ nhai bánh nghe vui tai, có sức cuốn hút. Âm thanh và hương vị rất đồng quê tạo nên sức hấp dẫn, còn thời tiết những ngày giáp Tết lại khiến trẻ con rạo rực, chỉ muốn vừa nhai bánh mè, vừa kéo nhau đi chơi. Ngày xưa, Tết ở quê tôi còn có những đoàn hát Tuồng hay Bài chòi về diễn, có bánh mè để nhai mà chen lấn nghe hát Tuồng, thật thú vị.
Nhiều món bánh kẹo mà khi mới ra đời, chẳng ai nghĩ nó sẽ thành hàng hóa, sẽ bán được, và bán chạy. Bánh mè quê tôi, hay kẹo cu-đơ ở Nghệ Tĩnh cũng vậy. Kinh tế thị trường đã đưa rất nhiều sản phẩm thật quê mùa này “lên sạp”, và hóa ra, bán rất tốt.
Quê mẹ tôi bây giờ, ngoài bánh nổ hay bánh in, còn có bánh mè được sản xuất thành hàng hóa. Việt Nam có bao vùng quê, và mỗi vùng đều có những món bánh hay kẹo riêng của mình. Là đặc sản hay chỉ là quà quê, những món bánh kẹo này đã thành quà bán cho khách du lịch, nếu mỗi vùng quê biết nâng giá trị “bẩm sinh” của chúng cộng với “marketing thị trường”. Những món bánh kẹo bình dị, khiêm nhường này có thể trở thành những món quà mà du khách rất muốn có để mang về sau khi lang thang qua các vùng quê. Du lịch nông thôn không thể thiếu những món quà này, chúng khiến cho mỗi vùng quê lại có thêm những kỷ niệm đáng nhớ.
Với tôi, món bánh mè quê mẹ đã cư trú trong ký ức từ 70 năm nay, như một gợi nhớ yêu thương suốt thời thơ dại. Nếu các vùng du lịch nông thôn ở nước ta biết khai thác những món quà cho du khách có khả năng gợi nhớ, có thể thành kỷ niệm, có thể đồng hành trong thời gian dài với trẻ em, thì khái niệm “du lịch bền vững” sẽ xuất hiện.
Du lịch bền vững luôn đi với những sản vật đặc biệt nào đó mà chúng ta hay gọi là đặc sản. Những sản vật đó có thể chứa giá trị cao, có thể chỉ là “quà quê chắp nhặt”, nhưng nó làm vui lòng khách xa tới quê mình, vậy là được. Mỗi vùng quê du lịch đều có những món quà riêng để bán cho du khách, nhưng nếu những món quà ấy đi kèm những câu chuyện, đi kèm những kỷ niệm dù chưa phải của du khách mà chỉ là ký ức của chủ nhà, vẫn khiến du khách quan tâm và nhìn thấy từ những món quà nhỏ ấy những ý nghĩa nhiều khi rất nhân văn.
Vì vậy, du lịch luôn gắn với văn hóa, gắn với lịch sử, không chỉ là lịch sử “đại tự sự”, mà nhiều khi chỉ là những “tiểu tự sự” nhưng để lại bao cảm xúc trong lòng du khách.
Bây giờ, món bánh mè quê mẹ tôi được sản xuất như một thành phẩm thị trường, với cái tên mộc mạc “Bánh mè cô Mận”. Thì Mận với Đào chả phải là cái tên quen thuộc của phụ nữ những vùng quê ta đó sao? Nó có thể gợi nhớ đến chị ta, đến mẹ ta, đến những ký ức ngọt lành thời thơ ấu. Nó sống bền vững trong tâm hồn ta, nên khi nó xuất hiện như một sản phẩm du lịch, nó trở thành sản phẩm của du lịch bền vững.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) không chỉ giúp người nông dân làm ra sản phẩm có thể bán được của mình, mà còn giúp cho ngành du lịch, nhất là du lịch về nông thôn, khi những sản phẩm OCOP trở thành một bộ phận không thể thiếu của du lịch về thôn dã./.
Thanh Thảo
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch