Ông Lê Đổng đan tre để làm thúng, mủng cho thị trường tết. Ảnh: Q.Việt
Sôi động vụ tết
Làng nghề tre đan Phú Thịnh (khối phố Tam Cẩm, thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh, Quảng Nam) đang vào vụ tết. Ông Lê Đổng (khối phố Tam Cẩm) cho biết, cuối năm nhu cầu dùng các sản phẩm đan tre tăng cao nhờ ngành nông nghiệp bước vào vụ mới.
“Ngày thường đan tre tôi có thu nhập hơn 100 nghìn đồng/ngày, nay làm việc nhiều hơn nên thu nhập khoảng 150 nghìn đồng/ngày. Nghề này cha truyền con nối, gìn giữ lâu đời. Chỉ cần có đơn hàng của tư thương là chúng tôi huy động làm việc” – ông Đồng nói.
Không khí sản xuất cũng tất bật ở làng nghề chế biến nước mắm Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình).
Ông Nguyễn Thanh Hải – người có thâm niên sản xuất nước mắm của làng nghề cho biết, quy mô sản xuất ở vụ tết tăng gấp đôi công suất so với ngày thường, dự kiến cung cấp 10 nghìn lít nước mắm cho thị trường TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Nước mắm Cửa Khe được chế biến chỉ từ cá cơm nguyên chất và muối, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe an toàn thực phẩm nên được người tiêu dùng đón nhận. Ở làng nghề Cửa Khe hiện có hàng chục hộ gắn bó với nghề làm nước mắm.
Thời điểm này, dọc theo quốc lộ 1 qua địa bàn làng Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình), dễ thấy người dân tập trung phơi hương để cung cấp cho thị trường tết.
Đang ngồi phơi các bó hương, ông Nguyễn Thanh Cảnh cho biết, thời tiết đóng vai trò rất quan trọng đến nghề làm hương bởi quyết định hương khô, nếu ẩm ướt sẽ giảm chất lượng.
“Mỗi này nếu điều kiện thuận lợi tôi có thể sản xuất được 400kg hương thành phẩm. Nếu mưa thì công suất làm việc giảm thấp. Giá hương thông thường vài chục nghìn đồng/bó” – ông Cảnh nói.
Trợ sức cho làng nghề
Ông Nguyễn Công Lý – cán bộ phụ trách nông nghiệp, nông thôn của UBND thị trấn Phú Thịnh cho biết, hiện nay làng nghề đan tre Phú Thịnh có hàng trăm người đan các sản phẩm từ tre để bán. Người dân có thể làm nghề ban ngày lẫn đêm, nhất là khi rỗi việc. Nghề này không quá vất vả nhưng đơn hàng không nhiều do các sản phẩm từ tre ngày càng bị các sản phẩm từ nhựa lấn át.
“Mong chính quyền huyện, tỉnh hỗ trợ làng nghề máy chẻ tre để giảm chi phí, giảm sức lao động và tăng năng suất. Các cơ quan chuyên môn cần giúp làng nghề tập huấn trang bị kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm mây tre đan vốn có thị trường rộng lớn, xuất khẩu. Các cơ quan cũng cần trợ giúp làng nghề quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường, từng bước xuất khẩu để tăng thu nhập cho người lao động” – ông Lý nói.
Ông Võ Tấn Hiếu – Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương cho biết, hiện tại làng nghề có 100 hộ tham gia với hơn 300 lao động sản xuất hương mỗi ngày. Trung bình mỗi tháng các hộ cung ứng 30 tấn nhang hương các loại ra thị trường. Dịp tết, do có nhiều đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh nên người dân đang tập trung mọi nguồn lực để sản xuất cho vụ chính.
“Để giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống, chúng tôi luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu. Chúng tôi mong mỏi ngành công thương tỉnh hỗ trợ để quảng bá, kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa xuất khẩu ra ngoài nước” – ông Hiếu nói.
Quảng Nam hiện có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng cả nước. Những nghề này tồn tại đã lâu, truyền qua nhiều thế hệ và được gìn giữ cẩn thận. Tuy vậy, cái khó chung của các làng nghề là đầu ra chưa đạt như mong mỏi.
Theo ông Đặng Bá Dự – Giám đốc Sở Công Thương, Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển làng nghề như hỗ trợ các ngành nghề nông thôn được ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng; các chương trình khuyến công, đăng ký thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa; quảng bá sản phẩm qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ; khuyến khích áp dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh; phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống.
Ngành công thương tiếp tục quảng bá thương hiệu làng nghề, kết nối cung cầu để các sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu vươn xa ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo Sở NN&PTNT, dịp cuối năm, hầu hết làng nghề đều tăng công suất gấp 2 – 3 lần so với những tháng trước, đặc biệt là các làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm… Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với Sở Công Thương, các huyện, thị xã, thành phố mở các điểm bán hàng, hội chợ, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh. |
Việt Nguyễn
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch