Tương truyền, chúa Nguyễn Phước Lan (1601 – 1648) trong một lần du ngoạn về vùng Mã Châu xứ Quảng đã tình cờ gặp và bén duyên với một người con gái hái dâu chăn tằm có tên là Đoàn Thị Ngọc. Sau khi trở thành vợ vua, nàng được phong là Đoàn Quý Phi. <!—->
Quý phi họ Đoàn không quên nghề xưa, ra sức khuyến khích dân chúng ở các vùng thuộc Quảng Nam như Điện Bàn, Thanh Bình, Duy Xuyên… mở mang nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nhờ đó mà suốt một dải sông Thu Bồn, nghề tằm tang phát triển rất rực rỡ.
Trong số các làng theo nghề canh cửi ở Quảng <!—->Nam có làng Mã Châu (thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) là nổi tiếng hơn cả. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, làng còn có thêm tên gọi là “Làng lụa Tằm Tang”. Vào khoảng thế kỉ XVI – XVII, làng lụa Tằm Tang làm ra rất nhiều mặt hàng tơ lụa nổi tiếng như đoạn, lãnh, gấm, vóc, sa… Sản phẩm của làng rất được các thương gia nước ngoài ưa chuộng nên họ thường tìm mua để xuất khẩu sang các nước Tây Âu và vùng Viễn Đông qua con đường thương cảng Hội An của xứ Quảng.
Về Mã Châu hôm nay người ta vẫn còn thấy cái không khí của nghề cảnh cửi xưa kia và xem ra còn có phần nhộn nhịp hơn. Hiện nay, mỗi tháng làng Mã Châu sản xuất được khoảng 10.000m2 lụa các loại, với mức giá khoảng 500 nghìn đồng/m2, chủ yếu để cung cấp cho các xưởng chế tác đồ may mặc, sản phẩm lưu niệm và xuất khẩu ra nước ngoài.
Trải qua thời gian, cái danh lụa Tằm Tang nổi tiếng một thời nay vẫn còn gần như nguyên vẹn. Có lẽ vì thế mà hiện nay ở Phố cổ Hội An cũng đã hình thành khu du lịch làng nghề truyền thống lụa Tằm Tang với nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm và giới thiệu sản phẩm. Những sản phẩm lụa Tằm Tang đã thực sự thu hút du khách ở phố Hội, đặc biệt là khách quốc tế.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch