Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cây ươi sống chủ yếu dọc các con suối và sông Đồng Nai đoạn qua huyện Đắk R’lấp… Năm nay, cây ươi lại cho quả, bắt từ tháng 4 và có thể kéo đến cuối tháng 6. Thời tiết hạn hán kéo dài nên ươi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được xem là “được mùa”.
Cây ươi có độ cao trung bình từ 30m trở lên, thân thẳng, lên tới đọt mới phân nhánh. Quả ươi còn được gọi là quả đười ươi. Quả dài 10-20 cm, vỏ mỏng, dễ bóc, mặt ngoài màu đỏ, nâu, mặt trong màu bạc. Quả ươi có giá trị cao nhất là loại ươi bay, tức là quả ươi đã chín và rụng khỏi cây, bay rụng xuống xung quanh gốc. Quả ươi thường sát trên lá. Quả cùng lá bay rụng trong vòng bán kính hơn 100m. Người dân chỉ cần đi xung quanh gốc và khu vực gần đó để thu lượm quả ươi chín.
Khi được mùa, mỗi cây ươi có thể thu lượm được khoảng 30 kg quả trở lên. Người lượm thường phân quả thành hai loại là quả ươi trâu và quả ươi sẻ. Quả ươi trâu có kích thước to và dài. Khi chín rụng, quả ươi trâu có màu ngà ngà đỏ, giống màu cánh gián, vị chát hơn ươi sẻ. Loại quả này thường ít thấy, số lượng không nhiều. Quả ươi sẻ thường có kích thước nhỏ hơn ươi trâu. Khi chín rụng, quả có màu từ vàng tươi đến ngà vàng, vỏ mỏng, nở nhanh hơn.
Theo kinh nghiệm của người dân, cây ươi phải trên 20 năm mới cho nhiều quả chu kỳ 4 năm cho quả một lần. Cho nên loại quả này rất quý hiếm, vừa là thảo dược chữa bệnh, vừa là một loại thức uống bổ dưỡng và thơm ngon. Quả ươi có vị ngọt nhẹ, mát, giòn sần sật như thạch. Khi ngâm loại quả này trong nước chúng sẽ nở to hơn bình thường gấp nhiều lần nên mọi người còn gọi nó là hạt nở.
Cách làm nước giải khát từ quả ươi cũng khá đơn giản. Trong mùa nắng nóng, nước ươi được người dân ưa chuộng để giúp thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể. Quả ươi không chỉ dùng làm thức uống giải khát, bổ mát trong ngày hè nóng bức mà chúng còn được sử dụng như một vị thuốc nam, giúp cải thiện viêm họng mãn tính, dùng khi cơ thể bị táo bón, ho khan, đau họng, sốt âm ỉ, nhức răng, mụn nhọt,…
Hiện nay, quả ươi được thương lái thu mua với giá từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Do giá cao nên gần đây, việc thu hái không còn đơn thuần là đi lượm quả ươi chín bay nữa mà người dân thu cả các trái già còn trên cây hoặc những trái còn xanh bằng cách chặt cành, thậm chí là đốn hạ cây để thu hái. Việc chặt hạ cây ươi để thu quả đang gây ảnh hưởng mạnh tới hệ sinh thái tự nhiên. Nếu chạy theo thị trường mà tận thu cả quả còn non hoặc chặt hạ cây thì trong tương lai, cây ươi sẽ có nguy cơ bị tận diệt./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch