Món “pẻng đổng” được làm từ các nguyên liệu và cách làm như món món bánh đúc nhưng do bánh được đựng trong sàng (tiếng Tày gọi là “đổng”) nên bà con gọi là “pẻng đổng”. Tuy giống bánh đúc về nguyên liệu và cách làm nhưng “pẻng đổng” có những nét mang đặc trưng riêng.
Để làm bánh, đầu tiên phải lấy gạo tẻ ngâm khoảng 4 – 5 giờ cùng nước vôi trong. Sau đó, gạo được đãi sạch và dùng cối xay thành bột nước rồi mới đem lên bếp nấu thành bánh. Quá trình quấy từ bột nước thành bánh đúc cần 2 – 3 giờ, trong lúc quấy bột bánh vừa phải đều tay, để nhiệt độ lửa phù hợp thì bánh mới chín đều, không vón cục.
Bột sẽ nóng lên từ từ và nặng dần, tới lúc bột bắt đầu sôi lục bục thì tiếp tục đảo và cho nhỏ lửa. Đảo như vậy chừng vài phút cho tới khi bột chín hẳn. Lúc đó nhấc bột lên thì bột sẽ rơi xuống và bột sẽ trong, màu hơi ngả vàng. Nêm dầu ăn vào và tiếp tục đảo hỗn hợp bột. Lúc đầu khi cho dầu ăn vào thì bột sẽ rời ra nhưng sau khi đảo một lúc thì bột quyện lại và trong dần. Khi bánh chín có thể tắt bếp đổ ra sàng đậy vung hoặc ủ nóng.
Sự khác nhau của “pẻng đổng” ở Bản Rạ với các món bánh đúc thông thường chính là lớp nhân bánh được phủ trên bánh. Nhân bánh đúc thông thường là thịt, mộc nhĩ, hành. Nhưng “pẻng đổng” ở Bản Rạ thì lại trộn nhân thịt băm với lá hẹ thái nhỏ nên có hương vị rất riêng. Khi ăn bánh có thể thêm canh, chấm nước mắm… Bột bánh mềm, mịn, vị bánh có mùi thơm của thịt lợn băm xào với lá hẹ làm cho miếng bánh trở nên rất thơm ngon, hấp dẫn.
Món bánh “pẻng đổng” thơm ngon tại chợ phiên Bản Rạ là bữa ăn sáng vô cùng hấp dẫn trong những ngày chợ phiên; bữa lót dạ lúc xế chiều của đôi bạn trẻ, là cây cầu kết nối bạn bè trong những buổi gặp gỡ nơi góc chợ./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch