Nằm sâu trong con ngõ nhỏ 67 Bạch Đằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), quán xôi thịt của ông Hòa dạo gần đây đã trở thành địa chỉ được nhiều người tìm kiếm và lui tới. Rất nhiều bạn trẻ hay các Tiktoker thường xuyên đến đây quay hình, review hàng xôi cho ông để từ một nơi mỗi ngày chỉ bán khoảng 10 suất thì giờ đây ông đã phải làm hơn 300 suất mà vẫn không đủ bán. Từ đó có thể thấy, hàng xôi của ông đã có sự thay đổi vô cùng lớn mà ngay cả chính ông cũng nhiều lần xúc động rằng “Tôi quá bất ngờ, tôi quá hạnh phúc tôi rất cảm kích” bởi mọi người đã cho ông cơ hội được vào bếp và được làm công việc mà ông yêu thích.
Tuy nhiên, để có được bát xôi nức tiếng như ngày hôm nay, ông Hòa đã trải qua không ít thăng trầm và sự cố gắng hơn bất cứ ai để một món ăn tưởng chừng rất đơn giản lại là thứ làm nên sự thành công bất ngờ khi ở tuổi xế chiều.
Bát xôi kỳ công mà còn đẹp như một bức tranh
Tìm tới quán xôi vào ngày giữa tuần, lúc 7 giờ sáng, đã có những vị khách đang ngồi chờ tới số thứ tự của mình để gọi món ở hàng xôi của ông Hồ Văn Hòa. Chẳng cần nhìn thực đơn, nhiều người cứ gọi luôn phần xôi má đào đầy đủ – cũng là món đắt nhất ở đây.
Các vị khách nào chưa đến lượt, ông bà cũng đi qua lại mời mọi người cứ tự nhiên lấy nước vối uống rồi chờ ông một lát.
Mỗi khi tới số nào, ông Hòa sẽ đọc to một lần, còn bà sẽ tới tận nơi, hỏi xem khách muốn ăn món nào, có yêu cầu gì không. Rồi bà sẽ chạy vào bếp báo cho ông sắp đơn. Chỉ chừng vài phút, bà sẽ bưng một khay gồm xôi thịt ra mời khách, người phụ giúp sẽ xếp thêm dưa chuột. Mọi thứ cứ tuần tự như vậy, cho dù trong một không gian không quá rộng với 5-6 chiếc bàn nhựa ngoài sân cùng vài ba chiếc bàn trong nhà.
Cảm nhận đầu tiên của các vị khách khi nhận được bát xôi là màu sắc bắt mắt. Có thể chưa thử đến hương vị nhưng riêng phần nhìn là ăn điểm tuyệt đối.
Vẫn là chiếc bát màu xanh như bao hàng xôi trên con đường Bạch Đằng hay Phúc Tân, nhưng trong đó, phần trên cùng sẽ là những cọng rau mùi xanh và lạp xưởng, nổi bật trên nền trắng đỏ của quả trứng lòng đào. Nhấc trứng lên thì mới đến tầng bao gồm chả mỡ, pate và miếng thịt má đào, tất cả nổi bật trên nền trắng của những hạt xôi bóng bẩy. Bát xôi mang ra mà nhiều người không nỡ trộn lên, muốn nhìn thêm đôi chút khiến bà phải dặn ăn đi cho nóng.
“Bức tranh” hoàn hảo được tạo nên từ sự kỹ tính và tình yêu thương của người phụ nữ bên cạnh
Ngồi ở sân, mọi người cũng có thể nhìn ngay vào căn bếp chỉ rộng chừng 15m2. Trong đó, ông Hòa luôn xuất hiện với trang phục chỉn chu, cẩn thận đơm xôi, xếp các topping và kiểm tra lại lần nữa trước khi mang đi.
Kể cả bên ngoài có bao nhiêu khách ngồi chờ đợi, ồn ào, thì căn bếp này cứ như thế giới riêng của ông và bà. Nhịp nhàng, đều đặn, từ đơn thứ nhất đến đơn thứ 200. Không cần quay người, ông chỉ cần đưa tay là bà sẽ lấy hộp, lấy bát hay cầm khay chờ sẵn, chỉ đợi ông xếp xong là mang ra cho khách.
“Cách đây hơn 20 năm ông bà bán phở, thì nhịp độ rất nhanh mà cũng không phải vất vả như bán xôi. Bởi nước xương thì có nồi ninh, phở thái sẵn, ông chỉ cần thái thịt rồi chần, rồi chan thật nhanh là có bát phở nóng hổi. Còn khi bán xôi thì phải mất công làm từng món ăn kèm và cũng phải chậm rãi mới có thể xếp được các món ăn kèm vào bát xôi”, ông Hòa chia sẻ.
Mặc dù chăm chú xếp đồ nhưng ông Hòa cũng không quên canh nồi xôi vẫn đang đồ ở trên bếp hay thi thoảng lại quay ra hỏi vợ: “Em thấy bát nãy xếp thế được chưa”, “Em ra xem các cháu đợi đông không thì mời nước và nhắn các cháu yên tâm đợi”…
So với ông Hòa, bà tự nhận là người kiệm lời hơn, song, bà công nhận rằng ông không chỉ yêu bếp mà còn có tài nấu nướng, có tình yêu với ẩm thực. “Ông khéo lắm, lại còn cầu kỳ. Trước kia ông muốn truyền nghề bán phở cho con trai lớn, nhưng lúc đó con còn trẻ, không chịu được sự ồn ào khi vừa đứng bếp, vừa phục vụ khách và cũng lo sợ không thể làm được như bố nên không theo nghề. Sau này nghỉ rồi thì ông phụ bà bán xôi, chỉ phụ giúp bà nấu xôi thôi mà không những thành thạo, còn nghĩ ra thêm món mới. Ông bảo với bà rằng, mình bán ít nhưng mình phải lấy phần ngon nhất để những vị khách của mình còn quay lại”, vợ ông Hòa nói.
Phần má đào, chính là phần thịt nọng của con lợn, cũng hiếm có nhưng ông luôn dặn người bán hàng phải để lại cho bằng được. Giá thì cao hơn gấp đôi các phần thịt khác, cho nên món xôi có thịt má đào cũng cao hơn so với xôi thịt bình thường. “Cả thịt ba chỉ đến phần thịt má đào, ông đều yêu cầu phải có 17 loại gia vị khác nhau thì mới được cho vào nồi nấu”, bà kể.
Chỉ nhìn vào mâm trứng lòng đào của ông Hòa thôi cũng đủ để tưởng tượng ra những cầu kỳ mà vợ ông đã nói đến.”Chỉ riêng ốp trứng thôi, ông đã phải tốn 5-6 tiếng đứng thông, mỗi quả rán đúng chuẩn 2 phút. Từ nửa tháng nay, để có 240 quả trứng đẹp phục vụ các bạn từ 7 giờ sáng là ông đều phải dậy từ 2 giờ – 2 rưỡi”, ông Hòa tự hào kể.
Vợ của ông Hòa là người luôn hỗ trợ ông trong mọi việc, bởi khi ở độ tuổi này mỗi ngày vẫn phải nấu nướng và phục vụ thực khách là điều không hề dễ dàng.
Ông Hòa năm nay 67 tuổi, còn bà thì 62, đều đã đến tuổi cần được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trước sự khen ngợi, ủng hộ của các vị khách thì dường như ông bà được tiếp thêm sức, để ngày ngày vẫn đứng bếp và cùng nhau làm ra những bát xôi phục vụ thực khách. “Mong ước lớn nhất của ông bà là kịp dạy cho con trai rán trứng và kho thịt đạt tiêu chuẩn để xôi ông Hòa có thể được mọi người ủng hộ thêm nhiều năm nữa”.
Thực hiện: Bài và ảnh: Hạnh Mỹ
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch