Đến bản Đá Bàn ở xã Ba Nang, Đakrông, tỉnh Quảng Trị, bạn sẽ không thể bỏ lỡ dịp thưởng thức chén rượu men lá nơi đây. <!—->
Cất công tìm lá
Loại rượu này được chưng cất từ 9 loại rễ, quả, thân, vỏ, lá cây rừng mà người Pa Cô phải cất công vào tận rừng xanh, núi thẳm tìm kiếm mang về rồi đặt lên tấm bạt sạch trải giữa nền bếp để nấu rượu.
Nghề làm men lá, nấu rượu men lá của người Pa Cô ở bản Đá Bàn đã có từ lâu đời. Trong các dịp lễ hội như Lễ hội Puh Boh (lễ giữ rẫy), Lễ hội Aya (hội mùa), Lễ hội Ariêuping (lễ bốc mả) của người Pa Cô thì rượu men lá là thức uống không thể thiếu được.
Công phu cách nấu
Cách nấu rượu men lá cũng lắm công phu, làm men lá trước hết phải có nguyên liệu lá, quả, thân, vỏ của các loại cây rừng như: cây tân tiêu, cà luôi, tà mài (mây đắng), ô mòi, la ngêng, pliêm căn yang, ớt rừng, thuốc lá rừng. Trước kia những loại lá, quả, thân, vỏ cây rừng này chỉ cần ra sau vườn nhà hoặc lên mấy quả đồi quanh bản là có thể hái mang về. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các loại cây rừng nguyên liệu làm men lá ngày càng khan hiếm nên việc đi hái lá cây rất vất vả. Bây giờ muốn có đủ nguyên liệu để làm một mẻ men lá, người dân Đá Bàn phải băng rừng, lội suối vào tận rừng sâu để đào, hái hoặc sang các bản của huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào mua về.
Các loại lá, quả, thân, vỏ của cây rừng dùng làm men lá sau khi đào hái mang về rửa thật sạch rồi giã nhuyễn đem trộn với nếp đỏ cũng được giã thành bột (nếp đỏ là loại nếp được đồng bào dân tộc Pa Cô ở bản Đá Bàn trồng trên rẫy từ tháng 5 đến tháng 11) theo tỷ lệ 1kg lá, thân, rễ, quả tươi cây rừng trộn với 60 lon nếp đỏ. Khi đã trộn đều hỗn hợp lá, quả, thân, vỏ của cây rừng cùng bột nếp đỏ thì bắt đầu đến công đoạn vo tròn thành từng viên rồi rải lên bạt cho khô. Ba ngày sau, những viên men lá khô cứng lại thì dùng sợi lạt để xâu men lá thành từng chùm rồi treo lên giàn bếp.
Cái chất của men
Men lá đạt chất là khi dùng tay bẻ một miếng nhỏ cho vào bếp than hồng thì men sẽ bốc cháy và có ngọn lửa màu xanh lam. Nếu bảo quản tốt ở nơi khô ráo, men lá của bản Đá Bàn qua năm sau vẫn sử dụng được để chưng cất rượu.
Men lá chuẩn bị xong là đến công đoạn ủ men lá với nếp hoặc gạo đã được nấu để chưng cất rượu. Cứ 15 viên men lá bóp nhỏ trộn đều với khoảng 60 lon nếp, gạo nấu chính sau đó ủ (khoảng 2 – 3 ngày) cho đến khi ấn bàn tay vào thấy nổi bọt nước lên thì cho thêm nước tinh khiết vào rồi tiếp tục ủ kín trong chum, vại trong vòng 10 ngày (mùa hè) và 15 ngày (mùa đông) rồi mang ra chưng cất rượu.
Trong những đêm thanh vắng, hương rượu tỏa ngát một góc rừng, thưởng thức rượu men lá cùng với làn điệu Terate’k của người Pa Cô ở bản Đá Bàn, trong tiếng nhạc du dương quyện với men rượu nồng ngọt ngào bạn sẽ có cảm giác bay bổng như lạc vào chốn thiên đường của những vì sao nơi miền sơn cước./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch