Nón Tày đong đầy yêu thương
Với đồng bào Tày, những chiếc nón lá ấy không chỉ đơn thuần là vật dụng che nắng, chắn mưa mà còn tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào; tạo thêm vẻ đẹp, sự duyên dáng cho người phụ nữ nơi vùng đất an toàn khu khu này.
Bà Ma Thị Tâm, xóm Thanh Phong, xã Thanh Định, nay đã 70 tuổi, nhưng bà vẫn ngày ngày miệt mài với những chiếc nón lá. Ngay từ khi 14 tuổi, bà Tâm đã theo mẹ học đan nón Tày. Gần 60 năm qua, bà vẫn gắn bó với nghề truyền thống này.
Bà Tâm cho biết, nghề đan nón Tày đã giúp gia đình bà có thêm một khoản thu nhập khá ổn định, ngoài nguồn thu từ trồng chè, trồng rừng và chăn nuôi. “Cũng từ nghề này mà gia đình tôi vượt qua được nhiều giai đoạn khó khăn của cuộc sống nên dù hôm nay điều kiện kinh tế đã khấm khá hơn, nhưng tôi vẫn đan nón, nó không chỉ mang lại thu nhập mà còn là niềm vui của tuổi già”.
Cũng theo bà Tâm, để hoàn thành một chiếc nón Tày phải mất từ 3-4 ngày với nhiều công đoạn. Cách làm cũng công phu hơn so với nón lá của người Kinh, từ khâu chọn lá, tạo khuôn, đan nón đều phải đúng tiêu chuẩn mới có được một chiếc nón đẹp.
Đặc biệt, công đoạn chọn lựa và làm phẳng lá đòi hỏi công phu, cẩn thận nhất, để chiếc nón làm ra không bị giòn và rách. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.
Nếu là nón đi chơi, đi hội, sử dụng trong lễ cưới, các bà, các chị thường thêu trang trí bằng chỉ ngũ sắc hình bông hoa, con bướm, ngôi sao… lên phần khung của nón rồi mới lợp lá cọ. Để làm ra một chiếc nón thêu hoa như vậy phải mất một tuần, giá bán cao hơn gấp 3 lần nón Tày bình thường. Nón Tày thêu có giá 300 – 500 nghìn đồng/nón.
Chia sẻ thêm về điều này, bà Ma Thị Pén, một người dân xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc cho biết: “Để hoàn thành một chiếc nón Tày cần phải có sự khéo léo, tỷ mẩn, cẩn thận trong từng công đoạn. Càng cẩn thận thì nón lá càng dùng được bền, nhìn nón là biết tính cách của người làm ra nó ấy chứ”.
Giữ nghề đan nón Tày là giữ lại nét đẹp văn hóa
Hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa có khoảng 40 hộ làm nghề đan nón Tày. Phần lớn người làm là các bà từ 60 tuổi trở lên, rất ít người trẻ làm được nghề truyền thống này.
Bà Ma Thị Tâm trải lòng: Làm nón Tày mất nhiều thời gian và công phu, tỉ mẩn trong mỗi công đoạn, trong khi lợi nhuận không cao. Cả xóm Thanh Phong hiện nay chỉ còn mình bà làm nón, bà làm là vì muốn giữ lại nét đẹp bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Bà cũng muốn truyền dạy nghề cho con dâu và các cháu, nhưng ai cũng nêu lý do bận rộn nên không mặn mà.
Người trẻ hiện nay không hào hứng với nghề đan nón Tày
Cứ như thế, dần dần chỉ có người hiểu được giá trị văn hóa đặc sắc của nón lá, muốn lưu giữ, bảo tồn và nhất định phải có lòng đam mê mới muốn học nghề này. Theo lời anh Ngô Hoàng, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Định Hóa, trước kia mỗi xã trên địa bàn huyện đều có khoảng chục người biết đan nón Tày. Nhưng theo thời gian những người theo nghề đã già hoặc về nơi thiên cổ, người trẻ lại không hào hứng với công việc này nên nghề đan nón Tày dần mai một.
Giữa những thay đổi của cuộc sống, những người như bà Tâm, bà Pén vẫn cần mẫn giữ cho chiếc nón truyền thống của đồng bào vẹn nguyên giá trị. Mong rằng, tâm huyết ấy sẽ sớm được thế hệ trẻ kế thừa, bởi đây không chỉ là giữ được nghề làm nón lá của người Tày, mà chính là giữ nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc được tồn tại và phát triển.
Mỹ Dung – CTV
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch