Tập trung sáng tạo tác phẩm gốm. Ảnh: Huỳnh Công Nghĩa
Tiềm năng và lợi thế
Vùng đất Ninh Thuận có 34 dân tộc anh em chung sống, tạo nên nền văn hóa đa dạng mang nhiều nét đặc trưng từ ẩm thực đến tín ngưỡng truyền thống, từ trang phục cổ truyền đến tiếng nói địa phương.
Làng nghề ở Ninh Thuận gắn với giá trị văn hóa của vùng đất Chăm-pa, từ đó đã sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mang giá trị cao có thể khai thác phát triển du lịch. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận, hiện có 10 làng nghề đã được công nhận, trong đó có 3 làng nghề thủ công truyền thống với tuổi đời khoảng 500 năm, đó là gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và dệt thổ cẩm Chung Mỹ. Ngoài ra còn một số làng nghề như nghề thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy (xã Vĩnh Hải); nghề chế biến hải sản thôn Mỹ Tân (xã Thanh Hải); nghề thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá (xã Phước Chiến) và nghề chế biến nước mắm Cà Ná (xã Cà Ná) đang được chuẩn bị hồ sơ để công nhận. Đây được coi là những làng nghề truyền thống cổ xưa nhất ở Đông Nam Á, với các sản phẩm độc đáo, đa dạng về mẫu mã và phong phú về chủng loại. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn có hàng chục làng nghề tiểu thủ công nghiệp khác như mây tre đan, mộc mỹ nghệ, đũa mỹ nghệ, chế biến nước mắm…
Từ năm 2012 đến nay, nhiều làng nghề và cơ sở nghề đã xây dựng được thương hiệu vươn ra thị trường trong và ngoài nước như nước mắm Cà Ná, nước mắm Đông Hải, rau an toàn Văn Hải, gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp, trái cây Sông Pha, làng nghề làm thuốc nam, thủ công mỹ nghệ từ hạt cây rừng thôn Cầu Gãy (huyện Ninh Hải), chế biến hải sản thôn Mỹ Tân (huyện Ninh Hải), thủ công mỹ nghệ thôn Tập Lá (huyện Thuận Bắc), thủ công mỹ nghệ Ma Nai, mộc mỹ nghệ, đũa mỹ nghệ ở Sông Mỹ, chằm nón lá ở Quảng Sơn (huyện Ninh Sơn), nghề đan võng ở Nhơn Hải, (huyện Ninh Hải)… Các làng nghề thu hút nhiều lao động, sản phẩm có đầu ra, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân cũng như khôi phục các di sản văn hóa. Hiện nay, một số làng nghề đang tìm hướng đi riêng để tạo sức hút mạnh mẽ từ thị trường trong và ngoài nước.
Trong những năm qua, Ninh Thuận đã hình thành nhiều tour, tuyến du lịch kết hợp với làng nghề, hình thành những làng nghề du lịch và những sản phẩm du lịch làng nghề hấp dẫn như làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt Mỹ Nghiệp, tháp Po Klongarai, vườn nho Thái An và vịnh Vĩnh Hy… Đến với những tuyến du lịch này, du khách không chỉ được ngắm cảnh thiên nhiên mà còn được tham gia vào một phần quá trình tạo ra sản phẩm; tham quan các phòng trưng bày, nhà truyền thống giới thiệu lịch sử hình thành làng nghề; khám phá quần thể kiến trúc địa phương (tháp Hòa Lai, tháp Po Klong Garai…).
Nghệ nhân dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lại
Cơ hội và thách thức trong phát triển du lịch làng nghề Ninh Thuận
Điều kiện tự nhiên về thổ nhưỡng, sinh vật, tài nguyên biển, nguyên vật liệu tại chỗ đã mang lại những giá trị to lớn cho hoạt động làng nghề ở Ninh Thuận. Phù sa sông Quao cung cấp cho đồng bào người Chăm đất sét và mỏ cát. Ðất và cát mịn, dẻo tạo ra các sản phẩm gốm bóng mịn, không rạn nứt. Điều kiện khí hậu khô nóng, ít mưa thích hợp cho cây nho, cây bông phát triển. Diện tích rừng tự nhiên khá lớn cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động các làng nghề như mây tre đan, mộc mỹ nghệ, đũa mỹ nghệ, dệt thổ cẩm, thuốc Nam… Nguồn tài nguyên biển dồi dào là điều kiện để phát triển nghề chế biến thủy hải sản và làm muối, nước mắm tại Khánh Hải, Đông Hải, Cà Ná.
Những năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông tại khu vực làng nghề được đầu tư khá đồng bộ gắn với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như vườn nho Ba Mọi, vườn nho Thái An, hang Rái, vịnh Vĩnh Hy, biển Ninh Chữ, biển Cà Ná… Sự nỗ lực, đồng lòng của người dân cùng sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương trong hoạt động làng nghề cũng tạo cơ hội cho du lịch làng nghề Ninh Thuận phát triển.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề Ninh Thuận vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế: các sản phẩm mỹ nghệ chưa phù hợp với du khách, nhất là du khách quốc tế; hầu hết các làng nghề đều phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, từ đó đã phát sinh những vấn đề tiêu cực về môi trường; một số nghề, làng nghề thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu nguồn nhân lực nên không chịu được sức ép cạnh tranh; thế hệ trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống dẫn đến nguy cơ mai một nghề…
Sản phẩm thủ công của Ninh Thuận mang tính giá trị cao. Ảnh: Nguyễn Ngọc Lai
Đẩy mạnh phát triển làng nghề gắn với du lịch
Để phát triển du lịch làng nghề, Ninh Thuận cần có những giải pháp phù hợp, đồng bộ nhằm giải quyết những thách thức trước mắt và chuẩn bị điều kiện cho bước phát triển tiếp theo.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền: ý nghĩa, vai trò của phát triển nghề và làng nghề trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn cần được người dân nhận thức rõ hơn. Từ đó để người dân có sự chia sẻ và chủ động khai thác thế mạnh làng nghề gắn với phát triển du lịch. Quảng bá, xúc tiến hình ảnh, sản phầm làng nghề truyền thống cần được thực hiện bài bản và mạnh mẽ hơn; hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nông thôn nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp, tạo dấu ấn trong lòng du khách.
Sản xuất sản phẩm làng nghề phù hợp với khách du lịch: các làng nghề cần nghiên cứu để sản xuất ra những sản phẩm có mẫu mã, màu sắc phù hợp với khách du lịch. Đối với sản phẩm gốm, nên đổi mới dòng sản phẩm gốm dân dụng, phát triển dòng gốm trang trí hiện đại với các mẫu mã và hoa văn mới lạ, độc đáo nhằm tạo sức hút và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Chủ động nguyên liệu sản phẩm: một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu sản xuất sản phẩm làng nghề. Vì vậy, việc hình thành nguồn nguyên liệu chủ động tại chỗ cần được quan tâm. Cụ thể như nguyên liệu làm gốm Bàu Trúc cần quy hoạch vùng đất làm gốm ra khỏi đất trồng lúa. Đối với sản phẩm dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, cần khôi phục vùng trồng cây bông để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản phẩm dệt, từ đó có thể hình thành làng du lịch tại đây.
Kết hợp du lịch làng nghề với du lịch cộng đồng: việc tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng gắn với làng nghề sẽ khiến người dân địa phương có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan tại địa phương. Du lịch cộng đồng với sự tham gia của người dân làng nghề sẽ vừa là công cụ giúp xóa đói giảm nghèo vừa góp phần đưa du lịch phát triển bền vững.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ giải quyết một số bất cập hiện nay như bảo vệ môi trường làng nghề, công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tìm đầu ra cho sản phẩm của làng nghề…
Tìm ra hướng đi đúng để vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa của làng nghề vừa đảm bảo đời sống nghệ nhân mà không gây tác động xấu đến môi trường tự nhiên, xã hội… là một vấn đề không đơn giản. Vì vậy, phát triển làng nghề gắn với du lịch được xem là một trong những hướng đi tốt nhất, đảm bảo cho làng nghề Ninh Thuận phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo:
1. Mai Dũng, Hồi sinh những làng nghề truyền thống, Báo điện tử Ninh Thuận, ngày 21/12/2020.
2. Phạm Xuân Hậu, Trịnh Văn Anh (2012), Giải pháp phát triển bền vững làng nghề truyền thống ở Việt Nam phục vụ du lịch, Tạp chí Khoa học ĐHSP TPHCM, số 33.
3. Hà Thái, Tổng cục du lịch, Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch (2019), Tìm hướng phát triển cho du lịch làng nghề Việt Nam. Nguồn: cinet.gov.vn…
Phan Thị Xuân Hằng – Nguyễn Ngọc Sơn
(Nguồn: Tạp chí Du lịch tháng 1+2/2022)
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch