Trên đường phố Sài Gòn có bán muôn vàn loại bánh ngon, hấp dẫn. Trong đó phải kể đến một số món dưới đây:<!—->
Bánh tai yến
Bánh có nguồn gốc từ miền Tây, hình dáng bên ngoài giống như tổ chim yến, với công thức chế biến khá đơn giản, nguyên liệu chủ yếu bao gồm đường, bột gạo, một ít bột năng, nước cốt dừa trộn chung và ủ khoảng 4 giờ. Từng thìa bột được cho vào chảo dầu nóng. Khi phần bột giữa chín phồng lên, viền bánh cong lại, rám vàng, bánh có hình chiếc nón úp ngược thì vớt ra, xếp bánh lên khăn giấy cho thấm bớt dầu, rồi bày ra đĩa. Loại bánh này được ăn ngay khi còn nóng để thưởng thức trọn vẹn vị giòn ngọt vốn có.
Bánh tằm bì
Là một trong những món ăn dân dã của các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau… bánh tằm bì có vị ngon hòa quyện giữa vị mặn của nước mắm vị ngọt béo của nước cốt dừa đặc trưng. Đĩa bánh tằm bì có thêm nước cốt dừa, hành phi và nước mắm… được bán với giá 20.000 đồng ở vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hai Bà Trưng…
Bánh ú tro
Có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh ú nước tro được gói bằng lá bên ngoài, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh. Bánh ú nước tro dễ ăn, không gây ngán, bột bánh có vị mát nên được nhiều người ưa thích trong những ngày nóng. Bánh được treo thành xâu, bán nhiều ở đường Phan Văn Trị, chợ Bà Chiểu…
Bánh cam
Đây là món bánh được bán nhiều ở các cổng trường hay trong các ngôi chợ nhỏ ở Sài Gòn. Vỏ bánh được làm từ hai loại bột là bột nếp và bột gạo, nhân bánh là đậu xanh tán nhuyễn với đường. Bánh được vo tròn rồi chiên chín đều vàng các mặt. Sau khi chiên, bánh để nguội trước khi rưới lên bên ngoài một lớp đường thắng có màu vàng óng, trong suốt và vị ngọt thanh.
Chuối nếp nướng
Chạy xe dọc đường phố, có thể cảm nhận mùi thơm nức của mấy xe bán chuối nếp nướng. Chuối được bóc vỏ, bọc một lớp cơm nếp hương cốt dừa bên ngoài. Sau đó lấy lá chuối gói bên ngoài, dùng que tăm ghim hai đầu lại rồi nướng trên vỉ. Trong quá trình nướng, người bán trở đều tay để món ăn được chín đều, khi lớp lá chuối bên ngoài bắt đầu khô lại và chuyển sang màu nâu, lớp cơm nếp bên trong xém vàng cùng hương thơm dịu nhẹ tỏa ra là được. Chuối nếp nướng có thể ăn không, nhưng ngon nhất vẫn là ăn kèm với nước cốt dừa khi còn nóng, với giá 10.000 đồng ở đường Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần…
Bánh bò dừa
Nguyên liệu chính là bột mì, bột nổi và trứng gà rồi đánh tơi, xốp. Nhân bánh là dừa bào sợi xào với đường cát trắng cùng đậu xanh hấp chín. Bánh được nướng chín trong những chiếc khuôn hình trụ. Bánh bò dừa ngon là miếng bánh phải giòn nhưng lại dai. Có thể mua bánh ở hàng rong trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, khu Chợ Lớn…
Bánh khoai mì
Là món ăn vô cùng dân dã, bánh được làm từ củ khoai mì luộc lên rồi bào cho nhuyễn. Sau đó trộn chung với nước dừa, muối, đường rồi đem nướng cho đến khi có màu vàng cam. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm của khoai mì, béo của nước cốt dừa nên dùng lúc còn nóng là ngon nhất. Các xe bán bánh khoai mì thường có ở góc đường Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) hoặc Cống Quỳnh – Cao Thắng (quận 3), giá 5.000 đồng một cái.
Bánh tàn ong
Cũng như các loại bánh nướng khác, nguyên liệu chính làm bánh tàn ong là trứng, bột mì và bột năng. Những chiếc khuôn đổ bánh được làm nóng, sau đó quét dầu đều vào đáy khuôn và nắp trong của khuôn, gấp khuôn lại, hơ nóng và trở đều hai mặt đế khuôn, nắp… cho khuôn nóng thật đều. Khi khuôn vừa đủ nóng, mở nắp, khuấy đều bột, múc bột vào đế khuôn, vừa đủ cho bột ngập đều phần đế khuôn nhưng không đầy tràn mép khuôn. Bánh tàn ong có hình bông hoa 5 cánh, mỗi cánh hoa lại mang hình dáng một trái tim và trên mỗi cánh tim có những lỗ nhìn như lỗ tổ ong, được bán rong ở gần Công viên Lê Thị Riêng, hoặc chợ Tân Định…/.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch