Làng Ước Lễ đã nổi tiếng gần xa với nghề làm giò chả tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Thế nhưng, nếu để chọn một nơi sở hữu những công thức giò chả đa dạng, truyền từ đời này sang đời kia thì không thể không nhắc tới Thái Bình. Ở “quê lúa”, giò chả “phủ sóng” khắp nơi, từ những bữa cơm sáng ra đồng đến những mâm lễ, mâm cỗ đãi khách.
Không chỉ có giò lợn, giò bò, giò xào, chả quế đã quá quen thuộc mà nếu có dịp đặt chân tới vùng đất này, chắc chắn nhiều người phải ngỡ ngàng khi bắt gặp những cách kết hợp nguyên liệu, cho ra nhiều món giò lạ kỳ.
Giò nây – món ngon giải ngấy nức tiếng gần xa
Giò nây, còn có tên gọi khác là giò cuốn, giò thúc hay giò mỡ. Không giống như cách làm giò thông thường sẽ phải xay nhuyễn thịt ra, món giò này, người làm sẽ để nguyên cả một tảng lớn. Miếng thịt ba chỉ gồm cả phần thịt và phần mỡ được ướp với các gia vị là mắm, muối, tiêu, hành tỏi… Sau đó mới cuộn lại thật chặt, bọc lá chuối, buộc lạt, rồi đem đi luộc trong khoảng 4-5 tiếng.
Ảnh: Giò chả Oanh Lượng
Món giò này phải thưởng thức lúc nguội hẳn, hoặc để lạnh. Giò sẽ cắt thành từng miếng hình chữ nhật, chấm với nước mắm mặn. Khi ăn có cảm giác như miếng thạch mềm, thơm, tan trong miệng, hòa lẫn với vị cay nồng của tiêu bắc, hương thơm của lá chuối, hoàn toàn không hề ngán như mọi người thường nghĩ về thịt mỡ.
Hiện nay có rất nhiều gia đình còn làm và bán giò nây. Khách muốn mua có thể tìm tới các khu chợ ở Thái Bình, hoặc mua của những người chuyên nhập hàng đặc sản lên các tỉnh, thành khác bán.
Ảnh: Giò chả Oanh Lượng
Giò hoa – đẹp mắt nhưng ít truyền ra ngoài
Gọi là giò hoa bởi khi cắt từng khoanh giò ra sẽ có những đường viền như các cánh hoa được tạo nên từ mộc nhĩ, tai lợn và phần viền ngoài là lớp trứng tráng mỏng vàng ươm. Tuy nhiên, để tạo được những khuôn giò đẹp mắt thì người bó giò phải rất khéo và kỳ công để sắp xếp từng lớp theo thứ tự, chỉ cần lệch hay không bó chắc tay một chút là sẽ không ra được khuôn hình hoa như mong muốn.
Ảnh: HM
Món giò này cũng thuộc hàng hiếm ở Thái Bình khi hiện nay chỉ còn lác đác một vài hộ dân ở xã Vũ Đông, TP. Thái Bình còn giữ nghề. Song, cũng chủ yếu làm theo đơn đặt sẵn của các đám cưới, đám cúng giỗ trong làng hay gửi đi nước ngoài.
Ảnh: HM
Giò lòng
Trên mạng xã hội có một số dân tình sau khi nghe đến thì cứ ngỡ là sẽ cuộn nguyên miếng lòng dồi lợn vào giữa phần giò sống để làm giò. Tuy nhiên, theo như một người có nghề làm giò chả Thái Bình thì thực chất, giò lòng chỉ sử dụng các nguyện liệu gần giống như để làm lòng dồi.
Ảnh: Nga Phạm
Chủ yếu sẽ là phần gan nếp, lòng non và tiết đã luộc được thái nhỏ, cuộn cùng với giò sống, bên ngoài cuộn thêm một lớp lòng, bên ngoài tráng lòng đỏ trứng gà, sau đó đem đi luộc như làm giò thông thường. Khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt, bùi bùi của gan nếp. Và quan trọng nhất là món giò này chỉ dậy vị khi các nguyên liệu được tẩm ướp bằng nước mắm cốt của người dân Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.
Chả kẹp chì
Tên của món chả được cho là xuất phát từ việc người dân ở xã Tây Sơn và Bắc Sơn, Tiền Hải đã sử dụng khuôn chì để nén cho miếng chả chắc hơn, trước khi được mang đi nướng phủ trấu. Trong nguyên liệu để làm món chả này, ngoài thịt được xay, ướp mắm muối như thường lệ thì phải có thêm lá chanh và lá sắn thuyền (một loại cây chỉ có ở vùng Tiền Hải). Hương vị của lá sắn thuyền giúp cho miếng chả có hương vị hấp dẫn riêng.
Lớp ngoài cùng của chả vẫn là một lớp trứng tráng mỏng. Ảnh: HM
Ai cũng nghĩ giò hiếm thì giá thành sẽ đắt xắt ra miếng, thế nhưng, giá bán các loại giò ở Thái Bình lại rất phải chăng. Ngay cả trong vụ Tết, các món giò, chả chỉ dao động trong khoảng 250.000đ – 300.000đ/kg. Lý giải về điều này thì một nhà làm giò ở đây cho biết giá bán giò chả chỉ phụ thuộc vào giá thịt lợn và các nguyên liệu, hầu như làm dùng nguyên liệu từ địa phương và cũng phục vụ người địa phương nên không có quá nhiều chi phí phát sinh.
Dương Dương
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch