Phở Tráng Kìm<!—->
Chợ Tráng Kìm nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ khoảng hơn 10 km. Nơi đây có món phở trứ danh mà dân lái xe đường dài vẫn truyền tai nhau, cố đi đến đây thật sớm để thưởng thức. Sợi phở dày, cắt lát khá thô và dai nhưng kết hợp với thịt gà đồi chắc miếng rất ngon. Đặc biệt, tất cả sẽ được phủ một màu vàng bắt mắt từ bột nghệ. Bạn có thể ăn phở ở các quán khu vực trung tâm thôn Tráng Kìm nhưng nếu tại phiên chợ, họp mỗi thứ 5 hàng tuần sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Thắng cố và rượu ngô
Lên cao nguyên đá không ăn thắng cố, uống chén rượu ngô thì đâu thấu hết cái đặc trưng của người và đất miền núi cao? Bát thắng cố to ụ với lẫn lộn ruột gan lòng mề. Thắng cố chuẩn phải làm từ ngựa hoặc bò, nấu không gia vị nên khi ăn sẽ được kèm bát muối.
Uống chén rượu ngô, nóng cháy họng rồi lại thêm miếng thắng cố đậm vị và ngọt nước, ngồi lắng nghe những người đàn ông trò chuyện sẽ khiến cho bữa sáng của bạn thêm kỷ niệm đẹp.
Bánh cuốn chan
Không rõ từ bao giờ, đây là món ăn không thể thiếu của du khách đến Đồng Văn. Quán hàng đơn sơ, cũng chỉ là bánh tráng được hấp mỏng trên bếp củi, nhân có thịt hoặc trứng tráng tùy sở thích thực khách, nhưng bát canh to với nước xương ninh nhừ làm nên sự đặc biệt của món ăn. Ngoài ra còn giò đũa được thả kèm vào bát canh, quyện lẫn vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá mang lại thứ hương vị đặc biệt.
Lạp xường gác bếp
Lạp xường gác bếp thơm thơm mùi thịt và khói bếp quyện vào, có thể dùng để rán, hấp nhắm kèm với rượu hoặc chế biến cùng nhiều món ăn khác tùy khẩu vị. Nhưng chắc hẳn, những món có kèm đặc điểm “gác bếp” thì phải lên vùng cao mới thấm rõ cái đặc trưng của nó.
Thắng dền
Là một đặc sản của vùng cao nguyên đá, thoáng nhìn thắng dền giống với món bánh trôi tàu của người dưới xuôi nhưng có những nét rất riêng. Cảm giác xì xụp bát thắng dền với vị ngọt cay của đường, của gừng và miếng bột gạo mềm mềm, sần sật rất thú vị.
Những viên bánh thắng dền chỉ làm to hơn ngón tay cái một chút, được thả trong bát có hỗn hợp nước đường ngọt ngậy với nước cốt dừa và gừng. Chúng tạo lên một hương vị ngọt, béo và cay cay. Trong mỗi bát thắng dền còn được cho thêm những viên lạc hay vừng đã rang chín, giòn giòn mà thơm phức, trông hấp dẫn hơn nhiều.
Mèn mén và tổ chua
Cái tên mèn mén gây tò mò cho nhiều khách du lịch lần đầu thưởng thức, nhưng có thể hiểu đơn giản đó là món ăn được làm từ ngô tẻ qua nhiều công đoạn để có được thứ bột ngô rồi đem hấp chín. Món mèn mén được thưởng thức khi nóng, nhai kỹ thấy một vị ngọt bùi ở đầu lưỡi. Tổ chua lại làm từ bột đậu, nấu kèm rau cải mèo. Có lẽ vì bát canh tổ chua có vị thanh mát nên thường ăn kèm với mèn mén.
Xôi ngũ sắc
Gạo nếp được đồ với các loại lá cây rừng để tạo nên 5 màu đặc trưng cho trời đất. Một món ăn rực rỡ sắc màu và nóng hổi, vừa thổi vừa ăn, lại có hương vị riêng cho mỗi màu. Ai đó ngang qua chõ xôi ngũ sắc mà bước chân lại không lưu luyến dừng lại. Thật là một món ăn vừa đẹp mắt lại vừa ngon miệng.
Bánh tam giác mạch chiên
Được làm từ bột gạo nếp trộn lẫn cùng bột tam giac mạch và cả lá gai giã. Bánh được nhào mịn và dẻo rồi nặn thành hình tròn và chiên trong chảo mỡ ngập bánh. Bánh vừa có vị dẻo của gạo nếp, lại có mùi vị đặc trưng của tam giác mạch.
Cháo ấu tẩu
Đối với nhiều người, đây được xem là đặc sản nổi tiếng mà khi đến chưa thưởng thức nghĩa là chưa tới Hà Giang. Cháo ẩu tẩu cũng được cấu thành từ gạo, kèm thêm thịt băm hoặc chân giò và tất nhiên không thể thiếu ấu tẩu được chế biến rất đặc biệt. Ấu tẩu là loài có độc tố cao, có thế gây chết người nếu không chế biến đúng cách. Vị đắng của ấu tẩu khiến nhiều người thấy khó ăn nhưng một khi đã quen rất dễ nghiện.
Món cháo ấu tẩu chỉ được nấu vào buổi tối. Đêm đông phố núi, tìm quán cháo ấu tẩu để thưởng thức sẽ là một cảm giác thật tuyệt và giúp bạn có một giấc ngủ ngon./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch