Thanh Hóa không chỉ hấp dẫn du khách bởi bãi biển Sầm Sơn, danh lam thắng cảnh đẹp, mà còn được du khách biết đến qua các món ăn đặc trưng của từng vùng, miền trên địa bàn.
Chả tôm – một trong những món ăn hấp dẫn du khách khi du lịch vùng trung tâm Thanh Hóa.
Với loại hình du lịch biển, món ăn đầu tiên phải kể đến là gỏi Sầm Sơn. Đây là món ăn từ xa xưa được người dân nơi đây chế biến từ tôm, cá sống ăn cùng với sung, chuối, khế. Du khách thưởng thức món gỏi cá bằng cách lấy rau thơm làm bao gói, cuộn một miếng gỏi cá vào giữa, chấm ngập nước chẻo (được chế biến từ cá làm gỏi). Gỏi ngon, khi ăn có vị ngọt thơm của cá tươi, mằn mặn, cay cay, beo béo của nước chấm hòa quyện với mùi vị của các loại rau thơm. Với gỏi cá, dù chỉ một lần thưởng thức du khách sẽ không bao giờ quên.
Cũng là ở biển, nhưng hải sản dọc vùng biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Tĩnh Gia như cua biển, ghẹ, sò huyết, tôm, mực, cá thu… ở mỗi vùng có vị thơm, ngon rất riêng.
Không chỉ có nhiều món ăn ngon mà các loại mắm, nước mắm của Thanh Hóa cũng hấp dẫn du khách trong cả nước như: nước mắm Ba Làng (Tĩnh Gia), Khúc Phụ (Hoằng Hóa)…
Và thứ đặc sản nữa của vùng biển mà không phải ai cũng biết cách chế biến và thưởng thức, đó là gỏi sứa chấm với nước sốt nóng hay nộm sứa với lá sung, bánh đa.
Với nguồn lợi lớn từ thủy, hải sản, còn rất nhiều món ăn độc đáo được người dân vùng biển chế biến theo cách riêng đang để dành chiêu đãi du khách đến với biển quê Thanh.
Không thua kém vùng biển, vùng đồng bằng cũng có rất nhiều món ngon phục vụ du khách như nem chua, chả tôm, bánh đa cầu Bố, bánh răng bừa, cá rô Đầm Sét, hến Giàng, bánh khoái… Có thể những món ăn này ở nhiều tỉnh, thành khác cũng có, thế nhưng với cách chế biến và những sản vật “độc đáo” mà thiên nhiên ban tặng cho riêng vùng đất này đã tạo nên hương vị rất đặc trưng cho những món ăn của người Thanh Hóa.
Ngược lên miền núi, bên bếp lửa bập bùng, những mâm cỗ đã được các mế, các chị bày ra để đãi khách sẽ có thật nhiều món ngon, nhưng không thể nào thiếu được bình rượu cần được ủ khéo để du khách dù chỉ đến một lần vẫn nhớ mãi nét văn hóa ẩm thực độc đáo của các dân tộc miền núi xứ Thanh.
Cùng với bình rượu cần, món đầu tiên phải kể đến là cơm lam – món ăn truyền thống của cộng đồng các dân tộc miền núi từ bao đời nay. Khi thưởng thức món ăn này du khách nên nhẹ tay bóc lớp vỏ tre sao cho vẫn giữ được màng lụa nuột nà của ruột tre quanh những hạt nếp thơm lừng vừa chín tới chấm với chút muối vừng thì không còn gì thú vị hơn.
Người Mường, người Thái ở Thanh Hóa còn có món canh đắng rất đặc trưng và hấp dẫn. Không kén chọn thực phẩm, nguyên liệu chính chỉ là lá đắng nấu với thịt hoặc lòng gà, bò, cá đều được. Thực phẩm được rửa sạch, băm nhỏ tất cả các nguyên liệu tùy theo khẩu vị của từng người mà chế biến riêng. Canh chín múc cho mỗi người một bát con, vừa thổi vừa húp. Món canh đắng sẽ hấp dẫn hơn khi được thưởng thức dưới tiết trời se lạnh.
Thứ đến phải kể đó là món măng đắng ở vùng núi cao Quan Hóa, Bá Thước. Măng mới lấy về mang vùi vào bếp than củi cho đến khi măng cháy xém hết vỏ ngoài bỏ đi, phần trắng để lại, sau đó bóc từng bẹ chấm với muối, ớt, lá gừng và tỏi giã nhỏ. Khi ăn, du khách sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt, vị cay ấm của lá gừng, vị cay rát của tỏi cùng hương vị đặc trưng của măng nướng. Với món măng đắng, người miền xuôi thường mua về chế biến thành món luộc và chấm cùng mắm vùng biển, ăn cũng rất ngon và hấp dẫn.
Ẩm thực của đồng bào vùng cao xứ Thanh luôn làm cho người ta tò mò và rau sắng cũng vậy. Cùng họ với rau ngót, rau sắng mọc tự nhiên trên những vách đá, bên ven bờ suối. Lá non và các đọt thân thường được người dân nơi đây dùng để nấu canh mà không cần mỳ chính nhưng vẫn rất thơm ngon, bổ dưỡng…
Trên hành trình khám phá của mình, cùng với vẻ đẹp làm say lòng người của các danh lam, thắng cảnh thì có lẽ nét độc đáo đến từ văn hóa ẩm thực mỗi miền quê chính là những dấu ấn mà du khách chẳng thể nào quên.
Ẩm thực Thanh Hóa phong phú và đặc sắc là vậy, tuy nhiên theo khảo sát của ngành du lịch, đến nay tại các khu, điểm du lịch của tỉnh vẫn chưa có nhiều nhà hàng, khách sạn đưa các món ăn đặc sản của địa phương vào khai thác, phục vụ khách du lịch. Các món ăn hiện nay vẫn còn đơn điệu và chủ yếu là những món quen thuộc hàng ngày mà những địa phương khác trên cả nước cũng có.