Cá trèn suối, cá lăng thượng nguồn, gà sống trên cây cùng các loại rau lạ đã khiến rừng Madagui trở thành điểm du lịch ẩm thực thu hút khách.
Nằm trên quốc lộ 20, Madagui cách TP HCM 152 km và là điểm giữa của cung đường từ Sài Gòn lên thành phố sương mù Đà Lạt. Tuy chỉ là một thị trấn nhỏ, thế nhưng đây lại là nơi đầu tiên khiến du khách cảm nhận được sự khác biệt giữa cái nóng của miền thấp với cái man mát nơi bậc thềm khí hậu miền cao. Madagui bắt đầu bằng những cánh rừng xanh bất tận, đồi núi trập trùng và những con suối cuồn cuộn chảy ven đường, nơi có nhiều người dân tộc Mạ sinh sống.<!—->
Tương truyền, cái tên Madagui của vùng đất này có gần trăm năm trước, khi những người Mạ đầu tiên đến đây, chọn con suối có dòng nước đỏ ngầu quanh năm chảy xiết thuộc thượng nguồn sông Đồng Nai làm nơi ăn chốn ở. Thức ăn thức uống của vùng đồi núi phía Nam Lâm Đồng cũng từ đó mà phong phú dần. Trong ảnh là loại cá trèn suối mà người Mạ xưa tự tìm thấy.
Đến Madagui dù mùa nào trong năm, ngoài mớ cá trèn, cá heo suối bắt từ con suối Tiên có dòng nước vàng ánh, thực khách còn được người địa phương đãi các món ăn làm từ cá lăng, một loại cá da trơn, nước ngọt. Nếu cá lăng miền xuôi được dùng để làm chả cá Lã Vọng, thì ở đây, cá thường được mang đi kho tộ ăn với cơm nấu từ gạo trồng trên đồi.
Cá lăng con to gần 5 kg cũng được mang đi chưng tương với bún tàu, nấm mèo, thịt ba rọi. Theo các đầu bếp của nhà hàng Muông Xanh thuộc khu du lịch rừng Madagui, cá lăng sống ở suối có thịt vừa thơm vừa chắc, phần mỡ giòn không ngấy như cá nuôi ở các hồ nước tĩnh lặng.
Bên cạnh cá lăng, cá chạch suối cũng là món ăn hiếm bởi không dễ tìm. Cá chạch suối thịt dai da mỏng, xương giòn như sụn, mang đi kho tộ, nấu canh chua lá giang, hay nấu lẩu măng rừng đều khiến người ăn hài lòng.
Cùng với các loại cá sống ở suối, gà nuôi trên cây cũng là một đặc sản. Do được nuôi thả trong các mé rừng, ăn thức ăn tự nhiên, vận động nhiều, gà ở đây có thịt chắc, da giòn. Chỉ cần luộc gà, lấy thân cây chuối rừng xắt khoanh trộn gỏi, đã có ngay món gỏi gà ít đâu sánh bằng.
Gà cũng được mang đi kho nghệ hay kho gừng. Dù lửa lớn hay hâm đi hâm lại nhiều lần, món gà ở đây vẫn giòn da và ngọt thịt. Món ăn phù hợp với cơm trắng, hoặc cũng có thể ăn cùng với các món rau.
Đến Madagui càng không thể bỏ qua món heo sinh thái, cách gọi của giống heo được lai giữa heo nhà và heo rừng, nuôi trong môi trường tự nhiên. So với heo nhà, loại heo này cho da giòn, thịt nhiều nạc ít mỡ, phù hợp với quay hoặc nướng.
Heo sinh thái còn được cắt miếng có cả da, ướp với gừng rồi mang đi hấp với củ hành tây và đầu hành chần. Chỉ cần chấm nước mắm hoặc chấm chao, món ăn đã đủ chinh phục người ăn khó tính bởi da giòn và mỡ không ngấy.
Thỏ nướng cũng là một trong những đặc sản của Madagui bởi miếng thỏ vừa giòn vừa thơm khi ướp muối sả rồi nướng trên bếp than hồng. Do thỏ ở đây được nuôi trong môi trường tự nhiên nên chất lượng thịt không thua gì thỏ rừng.
Các món ăn từ ếch như ếch xào lá lốt, ếch để da nướng mọi, ếch chiên giòn… cũng thu hút thực khách bởi ếch được bắt từ các khu vực ven suối nên thịt chắc và thơm.
Do khu vực này nhiều tre nứa, món cơm lam cũng được người Mạ dùng để đãi khách, tuy nhiên không giống món cơn nấu từ ống tre như ở miệt Gia Lai, cơm lam Madagui nấu bằng gạo nếp trồng trên đồi. Cơm nấu chín dẻo dẻo, rất ngon khi ăn cùng cá kho tộ hoặc gà nướng.
Cùng với các loài động vật, các loại rau rừng cũng góp phần làm cho ẩm thực của nơi đây thêm phong phú. Nhiều nhất và phổ biến nhất là rau nhiếp. Đây là loại rau có vị ngọt đăng đắng, mùi thơm đặc trưng. Người dân tộc thiểu số Madagui thường nấu canh hoặc luộc đãi khách. Loại cây rừng này vốn mọc khắp các cánh rừng trải dài từ cao nguyên Lâm Đồng xuống rừng Nam Cát Tiên thuộc tỉnh Đồng Nai. Theo các đầu bếp dân tộc, loại rau rừng này ăn rất tốt cho sức khỏe.
Đến Madagui, dù ngày trời hanh nắng hay ngày mưa rả rích, sẽ không còn gì thú vị hơn khi ngồi bên nồi lẩu cá lăng bốc khói hoặc bên vỉ thịt nướng than hồng, rồi vừa nhấm nháp chút rượu đặc sản nếp nương vừa nghe tiếng suối róc rách vọng lại từ phía thượng nguồn./.