Qua sông gặp gió em chèo cùng anh.
Bần có thể nấu với nhiều loại cá khác nhau như cá linh, cá bông lau, cá tra… để cho ra món lẩu bần đậm đà hương vị miền Tây
Người miền Tây ai lại không biết đến cây bần. Trưa trưa, chèo xuồng ra mé sông hái bần, đem theo chén mắm linh dầm ớt. Bần chua mà kẹp mắm linh thì đúng điệu miền sông nước. Cây bần thường mọc hoang ở mé sông, cũng có nơi người ta trồng bần để giữ đất.
Ngày đó, ở vùng quê nghèo làm gì có bánh kẹo mà ăn, chỉ có mấy trái bần vừa chua, vừa chát, vậy mà cứ giành nhau ăn rồi nhăn mặt, lè lưỡi hít hà,… Mùa nào bắt được nhiều cá linh, má mần cho khạp mắm. Trưa trưa, mấy chị em giở mắm, hái thêm vài trái ớt dầm mắm cho thiệt cay rồi cùng bơi xuồng đi hái bần. Có được chén mắm là sang lắm rồi chứ bình thường thì chỉ có chén muối ớt. Hái trái bần, quẹt muối ớt, chép chép miệng rồi nhăn mặt bởi vị chát, vị chua hòa cùng vị mặn, cay xè của món ăn chứa cả ký ức tuổi thơ.
Mưa lất phất về là bông bần nở trắng cả khúc sông. Lúc búp, bông bần phơn phớt màu tím nhạt, khi nở thì bung một màu trắng tinh khôi. Rồi chừng tháng 7, tháng 8 Âm lịch, bần chín rộ. Mùi bần chín cứ thoang thoảng trong gió, giống mùi ổi chín. Không biết có phải vì thế mà người ta gọi là bần ổi hay không.
Như có hẹn với nhau, khi bần trở chín, con nước cũng về, tía, má chèo xuồng ra ngọn sông lưới cá linh. “Nghe” nước về, mấy bụi điên điển trổ vàng rồi bạc hà, so đũa, rau muống,… cũng vươn mình. Tía, má lưới cá về, hái thêm cả nón lá bần. Bần sống để tụi nhỏ chấm muối ớt, bần chín để nấu nồi canh chua. Hương bần chín nồng nàn, vị bần chua đậm đà không lẫn vào đâu được.
Chiều chạng vạng, má bưng nồi canh chua bần nóng hổi ra tấm đệm trải giữa sân. Mấy đứa nhỏ dọn chén, xới cơm, hít hà mùi bần chín. Tía thích ăn canh chua với muối ớt hơn là nước mắm. Biết tính tía, má đâm thêm chén muối ớt cay nồng. Tía vớt con cá linh, chấm muối ớt, và đũa cơm rồi cười khà khà “phải chi ngày nào cũng được ăn canh chua bần nấu cá linh…”.
Cái hương vị đậm đà, thanh ngọt của nồi canh chua bần đó theo chị em chúng tôi đến mấy chục năm sau. Mùa này, bần lại trở chín! Chị hai nhắc đến món canh chua bần những ngày còn nhỏ. Thế là lại chèo xuồng ra mé sông. Mấy chục năm rồi, quê tôi có nhiều thay đổi. Người ta ngăn sông, đắp đập, bần không còn nhiều như ngày trước. Chèo một hồi cũng hái được cả rổ bần. Trái nào chín đem nấu canh, trái nào xanh chấm muối ớt. Chị ba nhìn rổ bần cười híp mắt: “Thôi, nấu lẩu đi! Ngày xưa má nấu canh chua cho mình ăn, giờ mình nấu lẩu mời tía, má”. Bần chín đâu chỉ nấu với cá linh mà tất cả các loại cá tra, bông lau, cá lóc,… đều có thể nấu lẩu bần. Cũng mang trọn hương vị của món canh chua bần ngày trước, chỉ khác là lẩu bần thường ăn kèm với bún và tất cả các loại rau ăn kèm đều để tươi, nhúng từ từ, ăn đến đâu nhúng rau đến đó.
Húp chén lẩu bần, tía buồn buồn: “Mấy năm nay nước ít, có cá mắm gì đâu, thương bà con mình không còn trúng mùa cá như trước…”./.
Thủy Tiên
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch