Đền Mạc Động
Nội dung tấm bia “Tôn thần tích bi ký” niên hiệu Tự Đức 19 (năm 1866) hiện lưu giữ tại đền Mạc Động cho biết: Lê Đại Hành làm vua, lấy niên hiệu là Thiên Phúc. Năm đó, giặc Tống đem quân sang xâm lược nước ta. Nhà vua liền xa giá tiến quân, cùng quân Tống đại chiến một trận nhưng chưa phân thắng bại. Vua cho quân lui về địa phận khu Thượng, trang Hương Mặc (tức thôn Mạc Động ngày nay) đóng doanh trại nghỉ ngơi. Vua mộng thấy một vị quan nhân thân hình cao lớn từ vùng đất phía tây nam đi đến yết kiến. Vị quan nhân tâu rằng: “Thần là sứ giả nhận lệnh Thiên đình giáng xuống trợ giúp Hoàng đế. Nay, nghe Hoàng đế cầm binh xuống phía đông, thần nguyện được cùng đi chinh phạt”. Nói xong, quan nhân bỗng nhiên bay thẳng lên trời. Nhà vua nhìn về vùng đất phía tây nam thấy có một quầng lửa cháy rực sáng. Sáng hôm sau, vua giật mình tỉnh giấc mới biết là trời báo mộng, bèn đi xung quanh bản trang quan sát thì thấy một đống đất hình rồng và một tảng đá xanh giống hình người. Vua cho đây là vùng đất linh thiêng, bèn truyền cho người dân của bản trang hành lễ cầu đảo, cúng tế ba ngày, hương đèn không tắt. Đến nửa đêm, vua lại mộng thấy một quan nhân mũ áo, hình dáng giống y như người trước đã ứng mộng, đi đến chỗ nhà vua mà tâu rằng: “Thần là Ngọc Hoàng đệ tam tử, tên là Chàng Vàng, hiệu Đô Lỗ Thạch Thần, vâng mệnh Thiên đình xuống bản trang làm thổ thần nơi này. Nay, nghe Hoàng đế đông chinh mà hiển ứng báo mộng để trợ giúp đánh giặc, xây dựng đất nước”. Tâu xong, có tiếng sấm chấn động. Vua tỉnh giấc, cho là linh dị, lập tức hành lễ bái tạ, rồi đem quân đến các đạo cùng tiến đánh giặc Tống. Trong lúc cự chiến, bỗng nhiên trời đất mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đùng nổi trên tảng đá. Quân giặc đều sợ hãi bỏ chạy về phương Bắc. Đánh thắng giặc Tống, vua Lê Đại Hành cấp tốc xa giá tiến quân quay trở về khu Thượng của bản trang, truyền cho người dân sửa sang lập miếu, dùng đá xanh tạc thành tượng thần thờ tự, ban cho khu Thượng 400 quan tiền làm công ích để hai mùa xuân, thu cùng tế lễ và khen phong mỹ tự “Thượng đẳng phúc thần” (vị thần bậc Thượng đẳng ban phúc cho dân).
Tượng vua Lê Đại Hành tại hậu cung đền Mạc Động
Mạc Động tuy không phải quê hương nhưng lại là mảnh đất gắn bó với vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống Tống, gắn liền với tên tuổi của ông vào thế kỷ X. Tại địa phương hiện còn lưu truyền khá nhiều địa danh liên quan đến địa bàn đóng doanh trại của vị tướng tổng tư lệnh, vị Hoàng đế thân chinh đánh giặc, đó là đống Đề Vua (nơi vua đến), đống Đề Hội (nơi tập trung quân), đống Viên Thiều (nơi các quan hội họp), đống Khai Tộc (nơi phát thưởng cho quân sĩ), đống Điếm (nơi canh phòng), đống Trại Chém (nơi xử án), đống Đong Quân (kiểm quân trước và sau trận đấu), đống An Ngựa (nơi ngựa nghỉ ngơi)…
Tương truyền, sau khi vua Lê Đại Hành mất, để tri ân, tưởng niệm, tôn vinh công lao đức trạch của ông, nhân dân Mạc Động đã thờ tự ông tại miếu cùng Ngọc Hoàng đệ tam tử “âm phù” giúp ông đánh giặc Tống năm xưa. Cùng với thời gian, ngôi miếu được nhân dân tôn tạo khang trang và gọi là đền. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi đền tọa lạc trên một khuôn viên rộng, cảnh quan đẹp, nhiều cây cổ thụ, mặt tiền quay hướng tây nam, kiến trúc kiểu chữ Nhị (=) gồm 3 gian tiền tế xây đao dĩ và 3 gian hậu cung, kết cấu khung vì bằng chất liệu gỗ tứ thiết. Năm 1962, thực hiện chủ trương “Bài trừ mê tín dị đoan”, 3 gian tiền tế hạ giải lấy nguyên vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi. Năm 2014, di tích xuống cấp nghiêm trọng, nhân dân địa phương đã hưng công phục dựng lại ngôi đền trên nền xưa, hướng cũ.
“Tôn thần tích bi ký” niên hiệu Tự Đức 19 ( năm 1866)
Hiện nay, di tích khá khang trang, kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 3 gian tiền tế và 2 gian hậu cung. Tại tòa hậu cung hiện có pho tượng vua Lê Đại Hành, chất liệu gỗ, tạc kiểu chân dung thể khối ở tư thế ngồi nhìn thẳng về phía trước; đầu đội mũ, hai bên mũ chạm đôi rồng chầu vào hình mặt trời ở giữa; mặc áo long bào, viền cổ tròn chạm nổi hoa văn triện gấm, ngực áo chạm nổi mặt hổ phù cách điệu và long vân, vai, ống tay, gối chạm rồng chầu và hoa văn vân mây, viền gấu chạm hoa văn sóng nước. Tay phải ngài cầm kiếm đặt trên đầu gối, tay trái đặt úp lên đầu gối trái. Tượng ngồi ngai (liền bệ gỗ), vòng tay ngai rộng, thân gồm 6 trụ con tiện chạm rồng cuốn quanh. Tay ngai chạm hai đầu rồng, miệng ngậm ngọc quý, đầu có năm tóc trải. Những trang trí rồng, mây ở ngai cũng thống nhất với tượng đều thuộc phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).
Hằng năm, tại đền có một kỳ lễ hội chính vào tháng 3 âm lịch, diễn ra từ ngày mùng 8 đến ngày mùng 10, trọng hội là ngày mùng 9, kỷ niệm ngày vua Lê Đại Hành đánh thắng giặc Tống xâm lược. Trong lễ hội ngoài phần lễ, phần hội có tổ chức thi đấu các môn bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền nam, nữ và các trò chơi dân gian kéo co, chọi gà…; giao lưu văn nghệ với các thôn Mạc Động, Văn Mạc, Tiên Xá, Mạc Thủ 1 và Mạc Thủ 2.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch