Thanh thiếu niên làng Vân Trình nối nghề đan lưới.
Nghề đan lưới làng Vân Trình có bề dày lịch sử gần 600 năm tuổi. Theo các vị cao niên trong làng, trên hành trình vào nam mở cõi, người dân làng Vân Trình đã mang theo nghề đan lưới từ quê gốc vào và sử dụng các loại lưới tự đan để đánh bắt cá để làm kế sinh nhai.
Ngày xưa, quá trình người thợ đan ra một chiếc lưới hoàn toàn thủ công. Nguyên liệu để làm lưới là sợi chỉ tơ tự nhiên. Hầu như, tất cả các hộ trong làng đều đan lưới. Sự tỉ mỉ được truyền qua nhiều thế hệ trong gia đình. Nhờ đó, đời sống kinh tế của làng dần được nâng cao. Có những giai đoạn, nguồn thu nhập từ nghề đan lưới chiếm phần lớn trong tổng thu nhập của người dân.
Hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, một số công đoạn sản xuất lưới được thực hiện bằng máy móc. Tuy nhiên, vẫn còn một số bước được người thợ đan làm bằng tay như kết phao, đạp mảnh chì vào tấm lưới…
Nghề đan lưới Vân Trình vẫn tồn tại đến hôm nay là do dân làng giữ nguyên công thức đan truyền thống. Những sợi chỉ tơ tự nhiên được chọn lọc kỹ lưỡng, là nguyên liệu quan trọng nhất để đan thành một mảnh lưới bảo đảm sử dụng bền chắc trong nhiều năm. Ngày xưa, người thợ đan mặt lưới bằng những chiếc kim đan đơn sơ làm từ cây tre.
Sự cân bằng thẳng đứng của tấm lưới ở dưới nước là do những mảnh chì tán mỏng, gắn vào dây gất đòn ở phía dưới tay lưới; phía trên là hàng phao cách đều giữ thế cân bằng. Kết quả là những mảnh lưới dài luôn đứng, dễ dàng cho việc đánh bắt thủy sản.
Ông Lê Tấn Mẫn (chủ một đại lý phân phối lưới trong làng Vân Trình) cho biết, nghề đan lưới thật sự lắm công phu. Nhớ lại thời trẻ mới làm nghề, khi đó, các hộ gia đình tự kéo sợi, dệt nên từng mảnh lưới. Toàn bộ quy trình đan đều thực hiện bằng tay nên sản lượng lưới làm ra thấp. Khoảng 10 năm trở lại đây, việc nhập lưới thô dễ dàng hơn.
Dân làng Vân Trình tập trung vào các công đoạn như đạp chì (gắn mảnh chì vào đáy tấm lưới) và buộc phao nổi ở phía trên tấm lưới. “Ngày xưa, phao được làm từ cây re. Chúng tôi dùng trái cây dành dành hoặc lá, vỏ một số loại cây khác nấu lên để nhuộm phao nhằm phân biệt được mầu. Còn hiện nay, phao được làm từ các tấm xốp trắng. Tôi là người đầu tiên trong làng này tự cắt xốp, buộc hai đầu hạt xốp để cột vào tấm lưới.
Anh em trong làng đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau học lấy nghề. Tôi đã từng mở lớp, trực tiếp hướng dẫn kinh nghiệm làm phao. Từ đó, cả làng áp dụng vào sản xuất đại trà. Lưới Vân Trình là loại lưới ba màng nên dễ dàng dính cá. Mỗi tay lưới có độ bền chắc trong một mùa đánh bắt”, ông Mẫn nói.
Làng nghề đan lưới Vân Trình vinh dự được nhận Bằng công nhận Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng theo quyết định 971 và 972/QÐ-UBND ngày 12/5/2016. Ðây là cơ hội để làng nghề đan lưới Vân Trình quảng bá thương hiệu, mở rộng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Hằng năm, người dân trong làng lấy ngày 2 tháng 12 Âm lịch làm ngày Giỗ Tổ nghề đan lưới.
Ông Nguyễn Xuân Quốc, Hội trưởng Hội làng nghề lưới Vân Trình cho biết, bản thân là thế hệ đi sau trong làng, tuy nhiên, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn nhờ nghề đan lưới. Từ khi Hội làng nghề lưới Vân Trình được thành lập, một số hộ dân như các hộ ông: Lê Tấn Mẫn, Nguyễn Văn Pháp, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Tùng, Lê Văn Cường… mở ra các đại lý thu mua, phân phối lưới đi các vùng lân cận. Lưới đan ra được đưa đi giới thiệu khắp các huyện trên địa bàn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, thành phố Ðà Nẵng… và xuất khẩu sang nước bạn Lào, Thái Lan.
Ðiều thú vị ở Vân Trình là mọi nhà đều đan lưới, mọi lứa tuổi đều thạo nghề. Lý giải về điều đó, cả ông Mẫn và ông Quốc đều chung quan điểm rằng, chỉ cần tập trung đôi mắt, trí nhớ thì việc đan lưới trở nên dễ dàng hơn. “Những lần gửi lưới sang Lào cho đại lý bên đó bán, họ đánh giá lưới của làng chúng tôi phù hợp với sông nước của họ.
Với chiều cao tấm lưới từ phao đến chì khoảng 1-1,5m, lưới Vân Trình đủ tiêu chuẩn thả cá trên hệ thống sông ngòi ở Lào và Thái Lan, nhờ vậy, đơn hàng được “chốt” liên tục. Có thể nói, chỉ sợ thợ đan trong làng chúng tôi không đủ sức để làm sản phẩm, còn đầu ra thì luôn đều đặn”, ông Nguyễn Xuân Quốc hứng khởi.
Vân Trình nằm ở hạ lưu sông Ô Lâu. Ðây là vùng thấp trũng nên người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa đánh cá bằng lưới trên sông, đầm và trên các cánh đồng ruộng vào mùa nước nổi. Các đại lý lưới ở Vân Trình đã mở rộng hệ thống thợ nhận gia công lưới lên đến hơn 800 lao động ở trong và ngoài địa phương, với nhiều lứa tuổi khác nhau, nhờ vậy, người lao động tại địa phương có công việc làm ổn định. Từ đây, người dân làng Vân Trình dần tích lũy nguồn vốn, nâng cao đời sống, tham gia xây dựng nông thôn mới, thay đổi bộ mặt quê hương.
Bài và ảnh: Trường An
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch