Những sản phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày như: Váy, áo, trang phục dân tộc hay những tấm địu… được người phụ nữ Nùng U tỉ mỉ thêu, dệt dùng để “tự cung, tự cấp” và trở thành hàng hóa trong mấy năm trở lại đây. Nghề TDTC Nùng U đang từng bước phát triển mạnh mẽ về chất và lượng. Từ sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, xã Nấm Dẩn đã thành lập được 12 Tổ hợp tác TDTC ở 12 thôn; thu hút hàng chục chị em phụ nữ tham gia và thường xuyên tạo ra những sản phẩm độc đáo mang đậm nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc thiểu số. Với nghề TDTC ở xã Nấm Dẩn, không chỉ đơn thuần gìn giữ và bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn góp phần tạo công ăn việc làm tại chỗ, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương những lúc nhàn rỗi. Chỉ tính riêng Tổ hợp tác thôn Nấm Dẩn đã có trên 45 thành viên tham gia, đủ mọi lứa tuổi từ 18 – 40 tuổi; trong đó, có 27 nghệ nhân lành nghề. Hiện tại, xã đang mở rộng quy mô làng nghề tại tất cả các thôn. Chị Hoàng Thị Hạnh, cán bộ Văn hóa xã Nấm Dẩn cho biết: Hàng ngày, sau khi làm xong công việc nhà, chị em phụ nữ tập trung tại Nhà Văn hóa thôn để thêu những sản phẩm theo yêu cầu của đơn đặt hàng.<!—->
Những năm gần đây, các sản phẩm do chính tay các nghệ nhân làng nghề TDTC không chỉ phục vụ hàng ngày mà đã trở thành sản phẩm hàng hóa tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, thời gian qua, huyện Xín Mần đã hỗ trợ Làng nghề TDTC thôn Nấm Dẩn 12 chiếc máy may công nghiệp trị giá gần 100 triệu đồng, hỗ trợ kỹ thuật, cơ sở vật chất để phát triển làng nghề. Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ tỉnh; xã Nấm Dẩn đã liên kết được với Trung tâm CRAFT LINK (Hà Nội), nhà tiêu thụ chính các mặt hàng thổ cẩm. Từ khi có nhà tiêu thụ, những sản phẩm được làm ra có mẫu mã đẹp hơn, hoa văn tinh xảo hơn và nguồn thu nhập của người dân cũng tăng lên đáng kể. Thông qua các bản hợp đồng thu mua sản phẩm, Làng nghề TDTC Nùng U phát triển mạnh mẽ hơn trước. Những sản phẩm được đơn vị đặt hàng đánh giá cao và thị trường chấp nhận chủ yếu như: Gối ngủ, túi đựng điện thoại, túi đựng Ipas… Chị Cháng Thị Thêm (sinh 1995), thành viên Tổ hợp tác thôn Nấm Dẩn cho biết: Trung bình mỗi tháng cũng mang về thu nhập từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/người. Có lúc đơn đặt hàng nhiều, thu nhập tăng lên đến hơn 3 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nghệ nhân lành nghề TDTC Nùng U còn phối hợp với huyện và các trường học trên địa bàn tổ chức truyền dạy nghề cho các em học sinh nhằm bảo tồn và phát triển nghề văn hóa truyền thống. Góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” của huyện Xín Mần trong giai đoạn 2 (2015 – 2020).
Anh Cháng Văn Kinh, Chủ tịch UBND xã Nấm Dẩn cho biết: Nghề TDTC vốn đã tồn tại lâu đời của người dân tộc Nùng U. Việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được Đảng bộ và nhân dân xã quan tâm. Thời gian qua, ngoài việc liên kết với doanh nghiệp tạo đầu ra cho sản phẩm, các cấp chính quyền cũng triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển làng nghề như: Hỗ trợ cơ sở vật chất, tổ chức tập huấn và mở các cửa hàng bày bán sản phẩm tại xã và chợ Cốc Pài để quảng bá sản phẩm, đồng thời phục vụ khách du lịch góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch