Bí đỏ ở đây được trồng nhiều. Tháng 3, tháng 4 âm lịch, khi gieo ngô, bà con lại trồng xen vài mươi hốc bí ở bờ rẫy, chân nương. Tháng 7, tháng 8, mùa bẻ ngô cũng là mùa trẩy bí. Nhà nào bí đỏ cũng chất đầy trên gác bếp, để dành ăn quanh năm. Bí đỏ hấp thịt bằm là món ăn truyền thống của đồng bào.<!—->
Làm món này cũng đơn giản. Bí để nguyên cả vỏ, bổ ra, nạo bỏ ruột, rửa sạch, thái miếng vuông quân cờ. Thịt heo ba chỉ hoặc thịt vai băm nhỏ, ướp muối mắm, bột nêm vừa ăn. Thịt này đem trộn với bột gạo nếp hoặc bột đao, bột năng thành một hỗn hợp vừa nhuyễn vừa dẻo. Rồi viên lại thành từng viên. Cứ mỗi miếng bí “cõng” một viên thịt trộn bột. Xong đem hấp cách thuỷ trong chảo hoặc đồ trong chõ như đồ xôi vậy.
Miếng bí vàng thắm vừa bở vừa bùi. Thịt băm pha bột nếp vừa giòn vừa dẻo. Tất cả các vị béo bùi, mặn ngọt hoà quyện thật đậm đà, ăn không ngấy. Có người ăn chay còn làm món bí đỏ hấp xôi đậu xanh để ăn trong những ngày rằm, mồng một. Nếp và đậu xanh ngâm qua đêm cho no nước. Rồi mỗi miếng bí được phủ một lớp nếp đậu, đem đồ. Khi chín đem ra, miếng bí vuông chằn chặn lùm lùm lớp xôi đậu xanh bên trên, trông đẹp như chiếc oản. Chưa ăn đã thấy ngon.
Với lũ trẻ con trong bản, bí đỏ còn như một món ăn chơi. Những đêm thu mưa lạnh hay những đêm đông rét mướt, ngồi chơi bên bếp lửa, bọn trẻ lại rủ nhau làm bí đỏ ăn. Bí đỏ bổ ra từng miếng như ta bổ dưa hấu, nạo bỏ sạch ruột rồi đem hấp. Khoảng mươi phút là bí chín. Đơn sơ vậy thôi mà ngon lạ. Miếng bí nóng hôi hổi, bở như khoai lang luộc, vừa ngọt vừa bùi. Ăn đến no mà không chán.
Bí đỏ, món ăn dân dã, qua bàn tay chế biến của người miền núi trở nên lạ miệng và thật hấp dẫn./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch