Cùng với rượu cần, các món ăn truyền thống tuy dân dã nhưng đậm đà hương vị đã làm nên dấu ấn ẩm thực của người Triêng vùng ngã ba Đông Dương. Ông A Nhơ, người nấu ăn “lành nghề” ở làng Đăk Ba, xã Đăk Dục cho hay, cũng như đồng bào các DTTS Bắc Tây Nguyên, các món ăn của người Triêng phổ biến là nấu, nướng, muối chua. Thực phẩm khô như thịt chuột, thịt dúi, heo rừng, chim, sóc… được chế biến cũng bằng các cách này. Không kể cách nấu thông thường bằng nồi, xoong trên bếp củi, bếp than; thì nấu ống rất được ưa chuộng, vì thức ăn thơm ngon đặc trưng.
Trước tiên, phải kể đến món cơm lam, nấu bằng nếp nương nếp rẫy. Ngoài nếp trắng, còn được nấu bằng nếp cẩm vừa đẹp màu, vừa thơm hơn.
Chị Y Hộ ở làng Nông Nhầy 3 chia sẻ: Trước khi nấu cơm lam, vo nếp qua 1-2 lượt nước sạch, để ráo. Lấy ống lồ ô cỡ nhỏ, bỏ nếp vào. Lưu ý, chọn ống “vừa tuổi”, vì ống non quá, cơm lam bị đắng, còn ống già lại dễ nứt khi gặp nhiệt độ cao. Cơm lam dễ nấu, nhưng nếu không để ý thì có khi cũng không tránh khỏi cơm bị sống, hay quá khô hoặc nhão. Chị Y Hộ lưu ý: Bỏ gạo vào ống đừng chặt quá, vì khi nước trong ống sôi lên, gạo nở ra; nếu gạo quá đầy, ống có thể bị vỡ. Bỏ vừa gạo, ống cơm lam chín tới, hạt nếp nở đều, dẻo, thơm mùi ống nứa rất riêng.
Không riêng cơm lam, hầu hết các loại thịt, cá, rau rừng… được nấu ống đều ngon ngọt, có hương vị đặc trưng. Tuy vậy, thường được nấu ống hơn cả là các loại thịt chuột, chim, sóc, gà, dúi, cá suối.
Ông A Nhơ “tiết lộ” cách ướp thịt chuột đồng nấu ống không thể thiếu củ kiệu, gừng rừng và lá ngò gai, thêm dọc môn và cả chút bột bắp rang thơm.
Anh Kring Hoa ở làng Nông Con cho hay về cách nấu món thịt sóc với chuối rừng: Khi bắt được con sóc mang về làm sạch, phơi khô từ 3 đến 5 ngày. Khi sóc đã khô hẳn, mới dùng nước để nấu lại, cho thịt sóc mềm ra, chặt miếng, ướp gia vị. Ngoài tiêu rừng, gia vị chính của món thịt sóc còn có pu duông (riềng rừng). Loại cây này có hình dạng giống cây riềng của người Kinh, song cách dùng lại khác. Bà con không dùng củ, mà chỉ lấy ruột non trong thân cây.
Chị Y Nhíp ở làng Dục Nhầy 2 chia sẻ: Chúng ta phải bóc nhiều lớp vỏ trên thân cây pu duông ra, lấy cái ruột non bên trong, giã nát hoặc thái nhỏ để ướp. Ruột pu duông cay thơm, rất hợp với các loại thịt. Khi thịt sóc đã được sào qua cho săn lại, mới cho quả chuối rừng đã thái khúc (hay hoa chuối thái mỏng) vào nồi, nấu đến chín mềm. Với đặc tính cay the, ấm nóng, pu duông rất tốt khi dùng cho phụ nữ sinh đẻ.
Cùng là nấu ống, song tùy từng loại nguyên liệu, mà người Triêng có thể dùng các loại rau, củ, quả và một số gia vị khác nhau để ướp trước khi nấu, đem đến hương vị hấp dẫn riêng.
Không chỉ nấu ống, người Triêng còn có không ít món ăn khá đơn giản nhưng luôn thuộc hàng “khoái khẩu” như món “lạp”, tức là món gỏi, trộn; món canh bột, gồm xương heo xương bò nấu với bột gạo và bí đỏ nghiền nhuyễn; món thịt heo trộn lá mì, bí trắng; thịt gà trộn măng le… Đáng chú ý, một số món nấu, món gỏi thường được bà con dùng thính bắp trộn đều, vừa tạo sự kết dính cần thiết giữa các nguyên liệu, vừa mang lại hương vị thơm ngon.
Cách chế biến món “lạp” cá suối được anh A Giàu ở làng Đăk Ba chia sẻ: Dùng lá chua rừng có tên là nhôpacha giã nhuyễn, trộn với cá đã lóc xương, thái nhỏ; thêm muối, tiêu, bột ngọt. Không có nhôpacha, không thành món này.
Cùng với cơm lam nấu trong ống nứa, người Triêng có món bánh quạt cũng gói bằng nếp, khá độc đáo. Loại lá dùng để gói là lá đót tươi, cỡ vừa, gói thành chiếc bánh hình ống tam giác nhỏ xinh vừa vặn, ăn có mùi thơm của lá rất lạ miệng. Chị Y Mừng người làng Dục Nhầy1 “bật mí”: Nếp không cần ngâm trước, mà chỉ lấy hạt khô bỏ vào lá, quấn mấy vòng, thành chiếc bánh. Sau đó, mới bỏ bánh vào ngâm nước chừng 15-20 phút, trước khi nấu. Chiếc bánh đẹp và ngon tùy vào tay người khéo quấn lá và buộc cái dây cho không bị bung, không bị hở.
Theo già A Nghiệp ở làng Đăk Hú, món ngon độc đáo và quý hiếm của người Triêng phải kể đến là trứng kỳ nhông rừng. Kỳ nhông thường sống và làm tổ trên bãi cát ven những con suối sâu. Mỗi lứa, kỳ nhông mẹ chỉ đẻ vài ba trứng nên rất hiếm. Đã ít, lại phải mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm sau mỗi mùa rẫy thu lúa xong nên trứng kỳ nhông được chọn để cúng Giàng trong các lễ hội lớn như mừng lúa mới, mừng nhà Rông, cầu mùa… Sau này, trứng kỳ nhông ngày càng khó kiếm, không phải khi nào cũng có thể lấy được.
Không gian lễ, hội, hay các sự kiện của cộng đồng, gia đình của đồng bào Triêng không thể thiếu các món ăn đơn sơ, dân dã mà đậm đà, khó quên. Ẩm thực truyền thống cũng làm thành một nét riêng, để lại ấn tượng trong lòng người nơi xa có dịp thưởng thức, góp phần làm nên nét đẹp văn hóa của dân tộc Giẻ – Triêng vùng Bắc Tây Nguyên./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch