Món canh môn nước sền sệt, nhuyễn, mang đặc điểm của canh thụt M’nông
Môn nước mọc hoang ở nơi ẩm thấp như mương nước, vũng đầm, ven sông suối… Môn nước có nhiều loại và môn nước của người M’nông có sự khác biệt so với các vùng khác.
Cây mọc thành bụi, có bẹ và lá nhỏ hơn so với môn ngọt thông thường. Màu lá của môn nước xanh thẫm hơn. Hình lá có phần tựa lá dong, nhưng bầu hơn một chút. Môn nước còn gọi là môn ngứa vì toàn thân cây môn đều có một thứ nhựa rất ngứa khi đụng phải. Tuy nhiên, người M’nông tìm ra những bí quyết riêng trong kết hợp nguyên liệu để khắc chế chất gây ngứa của loài cây này, chế biến thành những món ăn độc lạ, thơm ngon.
Người M’nông chọn những bẹ môn non đem về nấu. Ngoài bẹ môn nước, cua đồng, món ăn còn có thêm đọt mây và ớt. Trước đây cũng như bây giờ, người M’nông nào cũng biết chế biến và coi đây là món khoái khẩu. Món canh môn nước tuy mộc mạc nhưng lại có cách chế biến khá kỳ công. Bẹ môn nước tước vỏ xơ bên ngoài, cắt thành đoạn nhỏ. Cua sơ chế, bỏ phần yếm và vỏ lưng cua để nguyên phần thân chứa thịt và chân cua để nấu.
Đọt mây lấy từ rừng về tách bỏ lớp vỏ gai bên ngoài, phần ruột thái mỏng thành từng lát. Món ăn được nấu trong ống lồ ô tương tự như món canh thụt truyền thống của người M’nông. Tất cả nguyên liệu bao gồm môn nước, cua đồng, đọt mây và ớt được cho vào ống lồ ô, thêm chút nước rồi đặt nghiêng góc khoảng 45 độ với bếp lửa để nấu.
Món canh thụt môn nước trên mâm ẩm thực truyền thống độc đáo của người M’nông tỉnh Đắk Nông
Trong quá trình nấu, cần quay tròn ống lồ ô để các nguyên liệu chín đều và ống không bị cháy một bên. Khi tất cả các nguyên liệu chín mềm, người M’nông thêm gia vị muối, bột ngọt (bột nêm) và sử dụng một thanh tre để thụt. Thanh tre dài thụt liên tục vào ống lồ ô làm nhuyễn các nguyên liệu. Các nguyên liệu trở nên nhuyễn, hòa quyện vào nhau tạo nên trạng thái hơi sánh đặc cũng là lúc có thể đổ ra bát để thưởng thức.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch