Nhắc tới mùa thu Hà Nội, bất kỳ ai cũng sẽ nhớ tới một thức quà đặc trưng, được coi là đặc sản chỉ có vào dịp này trong năm, đó là cốm. Bên cạnh cốm được chế biến thành những món ăn, từ năm 2016, một khái niệm mới về cốm đã được ra đời, bắt nguồn từ chính những người nghệ nhân Việt Nam. Đó chính là bia cốm.
Nghe đến đây, nhiều người sẽ tò mò bởi bia cốm thì sẽ như thế nào nhỉ?
Bia là một thứ đồ uống có cồn, thường được tạo ra bởi sự kết hợp chính giữa gạo và lúa mạch, được nấu lên men. Bia thông thường có vị hơi đắng, là thứ đồ uống giải khát được nhiều người ưa chuộng.
Còn cốm là món ăn được làm từ lúa nếp. Lúa nếp được rang trong lửa nhỏ, sau đó mang đi giã và làm sạch bằng cách sàng sẩy cho hết vỏ trấu và loại bỏ hết tạp chất để cho ra thành quả cuối cùng.
Sự kết hợp giữa bia và cốm sẽ như thế nào? (Ảnh minh họa)
Ở Hà Nội, cứ mỗi dịp vào thu, cốm lại nổi lên như một món quà đặc sản không thể không thử. Cốm có thể ăn tươi, hoặc được chế biến thành một số món khác như chè cốm, chè ngô cốm, bánh cốm, chả cốm hay xôi cốm…
Vậy bia cốm là gì?
Bia cốm – thức uống đặc biệt được phát triển bởi chính người Việt
Năm 2016, bia cốm lần đầu được xuất hiện ở Việt Nam. Được biết, loại bia này được ra đời và phát triển bởi chính người Việt, anh Đỗ Giang Vinh, nhà đồng sáng lập của một thương hiệu bia tự nấu.
Theo chia sẻ của anh, những nguyên liệu đầu tiên giúp làm ra bia cốm là cốm, gạo tám thơm, hoa bia, lúa mạch và lá nếp để tăng thêm hương thơm cho bia.
Ý tưởng ban đầu của anh, là muốn tạo ra một loại bia mang sắc màu và hương vị của mùa thu Hà Nội, và rồi anh tập hợp lại những nguyên liệu tạo nên hương vị đó. Ngay lập tức, anh nghĩ tới cốm rồi tiến hành thử nghiệm. Và thế là bia cốm ra đời.
Anh Đỗ Giang Vinh, “cha đẻ” của bia cốm ở Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)
Những lần đầu thử nghiệm, anh Vinh gặp thất bại vì mùi vị bia không chuẩn hương cốm. Tuy nhiên, những người nghệ nhân vẫn quyết tâm đến cùng để tạo ra thứ đồ uống đặc trưng của người Việt. Sau trên dưới 10 lần, cuối cùng thành phẩm cho ra cũng đạt như mong muốn, đó là mẻ bia tươi, mang hương vị cốm chuẩn.
Bia được nấu thủ công hoàn toàn thay vì quy trình xử lý bằng máy. Các nghệ nhân cho biết, phải mất 1 tháng để nấu, ủ, lên men và nhiều công đoạn tỉ mỉ khác để xong một mẻ bia cốm, mỗi mẻ chỉ giới hạn dưới 200 lít. Trải qua thời gian dài như vậy, bia mới có được hương vị thơm mùi cốm.
Nhiều du khách cảm thấy thích thú khi trải nghiệm uống bia cốm. Chị Catriona Cotton, một du khách đến từ Newcastle, Anh Quốc cho biết: “Tôi cảm nhận được vị gạo, vị cốm trong bia. Bia rất nhẹ nhàng, không quá nặng và tôi rất thích nó.”
“Tôi cảm nhận được hương thơm của cốm hòa quyện với vị của bia rất thú vị”, một thực khách người Việt khác cho biết sau khi thưởng thức bia cốm.
Bia cốm chỉ được sản xuất cũng như đạt được vị thơm, ngon nhất vào 3 tháng mùa thu. Vì vậy, nhiều khách hàng, đặc biệt là những người yêu bia thủ công nói chung hay bia cốm nói riêng chỉ chờ đến dịp này để thưởng thức.
Không chỉ là thức uống giải khát phổ biến với phái mạnh, bia cốm có nồng độ cồn thấp, chỉ từ 4,5 – 5 độ. Vì vậy, bia phù hợp với cả phụ nữ.
Bia cốm phù hợp với cả phụ nữ bởi nồng độ cồn không cao. (Ảnh chụp màn hình)
Ngoài bia cốm, thương hiệu bia thủ công của anh Đỗ Giang Vinh còn cho ra đời những loại bia “lạ tai” như bia xoài, bia mít, bia bưởi, bia dâu… với những nguyên liệu tương đương. Đó cũng chính là điểm khác biệt và đặc biệt nhất của bia thủ công, khi người nghệ nhân có thể thêm bớt hoặc thay đổi nguyên liệu để cho ra hương vị mình mong muốn.
Bia cốm đúng là thành quả của một sự hòa trộn sáng tạo, độc đáo. Sâu xa hơn thế, là tình yêu với những thứ đặc sản Hà Nội, với mùa thu và mong muốn được mang chúng tới gần hơn với bạn bè quốc tế của người nghệ nhân.
Hà Nội đang vào những ngày đẹp nhất của mùa thu, những ngày cốm tươi tràn ngập những gánh hàng rong trên những con đường. Nếu đã quen thuộc với những món ăn từ cốm, sao bạn không thử một lần, nhấp một ngụm bia cốm?
Thu Phương
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch