Cách làm măng khô. Bắt đầu vào mùa hè, lấy măng củ về bóc vỏ, rửa sạch chẻ đôi, chẻ nhỏ hơn nếu măng củ cật dầy (măng lưỡi lợn), rồi đem luộc chín. Luộc xong đem măng phơi nắng to nhiều lần để có màu vàng, nếu phơi nắng yếu, ít nắng, măng sẽ bị đen thâm và hay mốc. Đối với măng bào thì luộc xong tước thành sợi nhỏ theo thớ cây măng rồi đem ngâm nước suối 1 tuần, sau đó luộc lại, vắt sạch nước rồi đem phơi nắng to thật kỹ. Măng ngon khi làm xong màu vàng tươi, thớ dày (lấy móng tay bấm vào được) không thâm đen, mốc mới đảm bảo chất lượng. Tại hai huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm măng khô được bà con đem bán nhiều nhất vào chợ phiên những tháng cuối năm để phục vụ tết, cưới hỏi…
Cách chế biến măng khô: Ngâm măng khô bằng nước sạch, tốt nhất là ngâm nước vo gạo 1 ngày để măng nở và thơm (6 giờ/lần thay nước). Nếu muốn bảo quản măng lâu thì sau khi ngâm luộc qua 30 phút rồi để trong tủ lạnh. Muốn chế biến ngay, khi ngâm măng được 6 giờ thì đem luộc rồi vớt ra để nguội sau đó chế biến được ngay. Măng bào ngâm qua nước ấm khoảng 1 tiếng vớt ra, rửa sạch là có thể nấu với canh xương, kho cá được ngay. Măng khô quý hiếm nên chỉ vào những dịp tết, lễ, cưới hỏi… Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán món măng khô nấu canh xương, măng khô thịt đông, thịt hầm không thể thiếu trong nhiều gia đình./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch