Đặc sản mắm cái, rau rừng Cù Lao Chàm.
Mấy hôm nay chuyển mùa, nhận được món quà của bạn, lật đật vào bếp. Nhìn mớ rau rừng còn tươi xanh, sợ nếu để qua bữa sẽ giảm vị ngon cũng như “của một đồng, công một nén” mà bạn cất công đem về.
Rau rửa sạch, luộc nhanh khi nước đang sôi rồi vớt ra rổ để ráo. Mắm cái Cù Lao Chàm đã quá ngon không phải gia vị nhiều, chỉ cần giằm thêm trái ớt xanh giòn, vài tép tỏi Lý Sơn.
Bữa trưa giản đơn với cơm trắng, dĩa rau luộc, chén mắm và tô nước rau vắt chanh. Thế nhưng dư vị để lại không hề tầm thường. Mỗi đũa rau chấm mắm có vị khác nhau, khi thì vị thuốc bắc, khi thì vị ngọt, bùi…
Có sự đa vị trong dĩa rau rừng là bởi cách phối trộn nhiều loại từ người dân xứ đảo. Trên đảo có khoảng 80 loại thực vật có thể ăn được. Trong đó có một số cây thân gỗ có thể sử dụng rễ, cành lá phơi khô nấu nước uống hay dùng làm thuốc, ngọn non thì làm rau rừng.
Nhẩn nha chút rau mắm, mới thấy ông bà xưa thật tài tình. Phải hiểu sâu sắc cỏ cây quê xứ mới có thể làm nên món rau rừng dung dị nhưng ẩn chứa công phu trong từng vị lá.
Rau rừng mọc hoàn toàn tự nhiên, được thu hái theo kinh nghiệm dân gian nên không phải lúc nào muốn ăn cũng có. Nhiều người ra đảo du lịch, canh chừng mua rau nhưng có khi phải về đất liền tay không bởi chẳng bán đại trà.
Tôi ngẫu nhiên được thưởng thức rau rừng trong những ngày chuyển mùa, càng mê hơn vị bình yên ấy. Chợt hình bóng nội tôi cắp cái rổ tre dạo quanh vườn hái rau cho con cháu mấy chục năm rồi vẫn thấp thoáng. Không đặc sắc như rau cù lao, nhưng rổ rau quê của nội vẫn theo tôi suốt dặm dài phố thị.
Muốn nấu canh hến, nhất thiết phải có rau dền cơm, vài ngọn rau muống, rau lang, mã đề, lá răng cưa (ngò gai), lá lốt, bồ ngót, thêm mấy chùm bông mướp vàng ươm thì còn gì bằng.
Bữa nào sang hơn có thịt bò diềm thì mấy bụi rau tam thất lẫn trong lá tre cuối vườn nhất định phải hái vào để bát canh thêm ngọt thơm. Ngày xưa nhà nào cũng vườn rộng bát ngát để thả vài dây mướp, riêng bồ ngót giắt quanh vườn ăn quanh năm.
Thế nhưng ba tôi cứ ỷ y vườn rau của nội, hễ cần là sai bọn tôi sang hái. Nội hay rầy rà cái sự bất tiện này, nhưng với ba tôi đã trở thành nếp quen. Có lẽ, chẳng món nào ngon hơn cơm mẹ nấu. Và rau mẹ trồng cũng mang đến vị riêng. Trong mỗi bịch rau tôi mang về, khi thì trái ổi chín cho bọn nhỏ chúng tôi, khi thì vài trái ớt để ba tôi giằm mắm.
Nhắc chuyện rau quê, không biết bây giờ ở nơi nào đó trên bầu trời xanh thẳm, ba và nội có ngó xuống bầy con cháu với những nhớ thương miên viễn. Trong vị rau, hẳn rồi, còn ẩn chứa vị hoài niệm tình thân.
Tây Bình
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch