Thắng dền là món ăn chơi mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về, thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Làm thắng dền không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn. Thứ gạo làm bánh là gạo nếp Yên Minh (loại gạo nếp ngon nhất tỉnh Hà Giang) hạt to tròn đều và rất dẻo thơm. Gạo được vo thật sạch rồi ngâm nước qua một đêm, hôm sau mang đi xay bột nước. Thế rồi, người phụ nữ Mông đổ bột vào một chiếc túi vải treo lên cao để qua đêm cho rỏ hết nước, bột đặc mịn thì mới đem ra làm thắng dền được.
Thắng dền trông giống bánh trôi nhưng không có nhân, được làm từ bột gạo nếp. Mỗi viên bột được nặn to hơn đầu ngón tay cái chút xíu, nặn thủ công nên viên to viên bé, cho vào nồi nước dùng luộc. Đến khi bánh nổi lên chủ quán sẽ dùng muôi vớt ra. Thắng dền thơm ngon hay không là ở bát nước dùng, được pha bởi hỗn hợp ngọt ngào của đường, béo ngậy của nước cốt dừa và cay cay của gừng đun nóng.
Có thể rắc thêm vừng hoặc lạc cho món ăn thêm bùi. Khách ăn thường bỏ một hai viên thắng dền vào ngậm trong miệng một lúc, ngấm cái vị ngọt béo của nước đường, vị cay se se của gừng tươi, vị bùi ngậy của vừng lạc. Từng chiếc bánh dẻo mềm quyện cùng vị ngọt thơm của đường, nồng ấm của gừng, béo bùi của lạc, của dừa… ngon đến khó lòng cưỡng lại.
Bên cạnh thắng dền, Đồng Văn còn có món bánh lư khoải. Bánh làm từ bột gạo tẻ, sợi dài và được cán mỏng như sợi phở, cũng được luộc lên và ăn cùng nước gừng đường đun sệt. Ngồi chuyện phiếm bên bát thắng dền cùng bạn bè, đêm như dài ra với bao câu chuyện về Phó Bảng, Sủng Là, Mã Pì Lèng, Săm Pun vời vợi… Nhẩn nha, nhẩn nha, vài chục viên thắng dền đã hết từ bao giờ.
Lại chìa bát chờ chủ quán nặn mẻ thắng dền khác. Giá chỉ 7.000 đồng/bát, nhưng ăn đến đâu luộc đến đó, không phải vội vàng. Đám khách ngồi khuya không làm chủ quán nản lòng, hai vợ chồng người Mông lại tỉ mẩn nặn thêm hai bát thắng dền, luộc chín, chờ khách vừa ăn vừa rì rầm trò chuyện…/.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch