Bạc trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Mông ở Sa Pa
Người Mông đen chiếm gần 53% tổng dân số thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Họ cư trú ở 61/98 làng trong thị trấn.
Ông Thào A Chư – người có thâm niên hơn chục năm gắn bó với nghề chạm khắc bạc cho biết, đây là nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người Mông. Nghề này ra đời bắt nguồn từ nhu cầu làm đẹp và phục vụ đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Mông.
Người Mông sử dụng bạc như một thứ bùa hộ mệnh, có chức năng bảo vệ sức khoẻ, hạnh phúc. Vòng bạc được coi là nơi hội tụ sức mạnh, nơi cư ngụ của thần linh, được thầy cúng phù phép để làm vật phẩm với niềm tin rằng chung sẽ có chức năng siêu phàm là diệt trừ tà ma, bảo vệ sức khỏe cho con người.
Trang sức Bạc còn là sản phẩm chính mang đến nét duyên dáng, vẻ quý phái, sang trọng, đặc trưng riêng trên trang phục truyền thống. Phụ nữ Mông sử dụng rất nhiều đồ trang sức bằng bạc như lược cài tóc, khuyên tai, vòng cổ, vòng tay. Họ còn đeo thêm cả bộ xà tích bạc bên hông để tăng thêm vẻ đẹp cho bộ trang phục.
Trang sức bạc ẩn chứa nhiều thông điệp – bà Giàng Thị Chư ở xã Tả Van cho biết. Ví dụ, đeo nhẫn có tiết diện tròn là dấu hiệu của những người còn độc thân (trai chưa vợ, gái chưa chồng) hoặc đã goá vợ/chồng và đang có ý định tái giá. Phụ nữ đeo khuyên tai càng to càng chứng tỏ họ khỏe mạnh, chăm chỉ. Vòng vía được chế tác riêng để đeo cho trẻ em và người lớn khi bị ốm. Vòng vía thường được thiết kế một chiếc khóa móc ở quãng hở để khi đeo xong, thầy cúng cài khóa lại coi như giữ hồn không cho vía rơi ra ngoài cũng như bảo vệ các loài ma không được xâm phạm vào cơ thể… Trang sức bạc còn là món quà mang giá trị lớn về tinh thần, là của hồi môn cha mẹ tặng con gái đi lấy chồng.
Phụ nữ người Mông đen ở Sa Pa sử dụng rất nhiều trang sức bằng bạc
Các nghiên cứu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai đều khẳng định, nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa chứa đựng nhiều giá trị nổi bật.
Về giá trị lịch sử, nghề này có quá trình tồn tại lâu dài, gắn với sự hình thành và phát triển của đồng bào dân tộc Mông, trải qua các giai đoạn biến cố của lịch sử nhưng vẫn luôn được các thế hệ kế tục và phát huy.
Về giá trị thẩm mỹ, các sản phẩm chạm khắc bạc làm nên vẻ đẹp riêng có và khi kết hợp hài hòa với y phục đã tạo nên bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc đặc trưng của người Mông.
Về kỹ thuật kim hoàn, nghề chạm khắc bạc đã đạt đến trình độ kỹ thuật tinh xảo. Mỗi trang sức là một tác phẩm nghệ thuật đầy tính sáng tạo, mô tả văn hóa đặc trưng của người Mông ở Sa Pa.
Về phong tục tập quán, nghề chạm khắc bạc gắn kết chặt chẽ với chu kỳ phát triển của con người. Từ khi sinh ra đến khi trưởng thành và chết đi, người Mông đều mang theo bạc trên người.
Với những giá trị đặc sắc, tiêu biểu, năm 2014, nghề thủ công truyền thống chạm khắc bạc của người Mông đen ở Sa Pa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Quy trình công phu làm ra sản phẩm
Chạm khắc bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, khả năng sáng tạo và con mắt thẩm mỹ cao của các nghệ nhân chế tác.
Trước hết, để chế tác bạc, người Mông cần nhiều công cụ kết hợp với nhau: bễ thổi, quạt gió, lò nung, nồi nấu bạc, khuôn đúc, búa đập (có 4 loại: búa sừng trâu, búa quai tay, búa nhỡ và búa con); kìm sắt (có 3 loại: dài dùng để chọc than, gắp nồi nấu hoặc điều chỉnh vị trí nồi trong lò nung trong quá trình nấu bạc; loại ngắn hơn dùng để gắp sản phẩm trong quá trình tôi cũng như chế tác khi bạc còn nóng; loại nhỏ dùng để cặp bạc trong quá trình gia công chế tác trên đe nhằm tạo hình, tạo dáng cho sản phẩm lần cuối).
Các mẫu hoa văn trang trí trên trang sức bạc thường là họa tiết hình hoa, lá, hình mặt trăng, hình xoáy trôn ốc, hình con ong, con bướm và các vật dụng gắn với đời sống thường nhật
Bộ đục chạm hoa văn được làm bằng đinh sắt, gồm 4 loại, có hình dáng, kích thước, chức năng sử dụng khác nhau. Ví dụ: “Ná tram” dùng để chạm hoa văn hình li ti, “Tủ ma” dùng để chạm hoa văn hình chấm, “Khó chủ” dùng để chạm các đường sọc dài, “Chầy nấy nix” dùng để chạm các loại hoa văn hình bán nguyệt; “Sừ phăng” dùng để chạm các loại hoa văn hình vuông.
Để chế tác ra các sản phẩm bạc có giá trị, đòi hỏi nghệ nhân phải có kinh nghiệm chọn và phân biệt nguyên liệu. Nếu dùng phải bạc tạp chất thì trong quá trình chế tác, bạc thường bị vỡ vụn, không có độ trắng tinh khiết và giá thành sản phẩm không cao, không phát huy được tính năng bảo vệ sức khỏe, trừ tà ma.
Chạm khắc hoa văn là công đoạn cầu kì, tỉ mỉ nhất. Nghệ nhân phải dùng óc sáng tạo, mắt thẩm mỹ để chạm khắc các họa tiết hoa văn trên sản phẩm thô làm cho trang sức trở nên mềm mại, sống động, uyển chuyển và tinh tế.
Các mẫu hoa văn trang trí trên trang sức bạc thường là họa tiết hình hoa, lá, hình mặt trăng, hình xoáy trôn ốc, hình con ong, con bướm và các vật dụng gắn với đời sống thường nhật như hình cối xay, hình cánh quạt, hình lưỡi liềm…). Đặc biệt, họa tiết cây dương xỉ là hoa văn đặc trưng trên các sản phẩm trang sức của người Mông ở Sa Pa.
Cần quan tâm nghiên cứu, bảo tồn nghề chạm khắc bạc
Theo ông Lê Việt Anh – Cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, nghề chạm khắc bạc ra đời đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật kim hoàn của người Mông ở Sa Pa.
Quá trình khảo sát cho thấy, nghề chạm khắc bạc đã có từ lâu đời, song thời điểm ra đời chính xác thì chưa có nhà nghiên cứu nào khẳng định. Bản thân những người kế tục nghề cũng chưa biết nghề chạm khắc bạc có từ bao giờ, được bao nhiêu năm, trải qua bao nhiêu thế hệ.
Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào về ý nghĩa đích thực của các mẫu hoa văn, ngoài những suy đoán rằng chúng phản ánh cuộc sống sinh hoạt đời thường, miêu tả thiên nhiên… Đặc biệt, các biểu tượng trong văn hóa tín ngưỡng vẫn đang còn là ẩn số, rất cần có sự nghiên cứu của các nhà khoa học.
Bảo tồn nghề chạm khắc bạc truyền thống mang lại cơ hội sinh kế và thu nhập cho người dân
Bên cạnh đó, bảo tồn nghề chạm khắc bạc của người Mông ở Sa Pa hiện đang là vấn đề đáng quan tâm.
Trước tiên, muốn có sản phẩm tốt thì nguyên liệu phải tốt, nhưng tìm nguyên liệu chuẩn rất khó. Bởi nguyên liệu dùng để chế tác các sản phẩm bạc thường là các loại đồng bạc Đông Dương (hoa xòe) được tích trữ từ đời này qua đời khác trong các gia đình người Mông. Loại bạc này hiện nay hiếm và đắt, rất cần được cơ quan nhà nước hỗ trợ khâu tìm nguyên liệu – ông Thào A Chư giãi bày.
Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, chính quyền và người dân cần phối hợp cùng nhau tìm đầu ra cho sản phẩm trên cơ sở gắn kết với du lịch, để sản phẩm của nghề truyền thống trở thành một phần của sản phẩm du lịch.
Sa Pa là địa chỉ du lịch nổi tiếng của quốc gia và quốc tế. Đó là điều kiện tốt để các sản phẩm chạm khắc bạc truyền thống của người Mông nơi đây có cơ hội phát triển, trở thành sản phẩm hàng hóa lưu niệm, thay vì chỉ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, tâm linh của nội bộ cộng đồng người dân. Chính quyền cần tăng cường tuyên truyền, vận động nghệ nhân chống các loại hàng giả, hàng nhái, đồng thời giảm giá bán sản phẩm, nghiên cứu, chế tác các mẫu mã mới phù hợp với nhu cầu của du khách.
Chạm khắc bạc là bộ phận cấu thành của văn hóa dân gian, chứa đựng bản sắc văn hóa dân tộc Mông ở Sa Pa. Giữ gìn, phát triển nghề đó không chỉ là bảo tồn cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn là cách hữu hiệu để biến di sản văn hóa trở thành tài sản. Quá trình đó cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền và người dân, để văn hóa trở thành nguồn lực góp phần mang lại sinh kế và thu nhập bền vững cho đồng bào./.
Bài, ảnh: Phương Liên
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch