Do đó, để khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm-hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Bana, được sự hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua huyện Vĩnh Thạnh đã tổ chức các lớp dạy nghề, xây dựng nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm thổ cẩm…và chương trình khôi phục nghề truyền thống này bước đầu có tín hiệu khả quan. <!—->
Nghề dệt thổ cẩm ở các làng Bana trước đây, khi còn phải tự làm sợi, cứ quãng tháng ba, tháng tư là bà con lên rẫy trồng bông, đến tháng tám, tháng chín thì bông được thu hoạch. Quả bông đem phơi khô rồi kéo ra và quay thành sợi. Còn với nguyên liệu dệt bằng cây gai thì lấy dao cạo lớp vỏ bên ngoài, đập dẹp, đem phơi khô rồi dùng tay xé nhỏ, xoắn hai, ba sợi lại đem ngâm với nước vo gạo cho sợi kết lại… Thuốc nhuộm là củ, vỏ cây được lấy từ rừng về, đem nấu và vắt lấy nước. Sợi được ngâm vào thuốc, qua một đêm vớt ra, phơi khô sau đó đưa lên sa quay thành từng cuộn theo từng màu sắc riêng biệt. Đó là phần nguyên liệu, còn khung dệt chỉ là một khung gỗ, bộ sa quay để kéo sợi. Để dệt một tấm chăn hay một tấm vải đủ may một bộ áo váy nữ nếu rảnh lúc nào làm lúc nấy phải mất cả tháng trời, còn nếu dệt ròng thì cũng khoảng bốn đến năm ngày.
Về cách dệt thổ cẩm thì kỹ thuật của người Bana tương đối giống với một số dân tộc khác như Chăm, H’rê. Song về hoa văn, họa tiết trang trí thì có nhiều nét khác nhau. Thổ cẩm của người Bana K’riêm ở Vĩnh Thạnh dùng nhiều họa tiết hoa văn hình học với các đường thẳng, đường cong, hình tam giác. Họa tiết thường là những nét hoa văn li ti chồng lên nhau tạo thành một dải phức hợp quanh một mẫu trang trí chính là ngôi sao tám cánh dệt trên nền trắng. Người Bana chọn màu đen làm màu chủ đạo trong trang trang phục thổ cẩm kết hợp với các màu đỏ, trắng và điểm một ít màu vàng, xanh non tạo nên ấn tượng mạnh mẽ nhờ sự tương phản. Có thể nói rằng, thổ cẩm của người Bana chính là sự kết tinh văn hoá trong môi trường tự nhiên, xã hội riêng biệt. Nó mang nét đẹp của sự hồn nhiên, thanh khiết. Như đất, như nước, như núi rừng Tây Nguyên.
Ngày nay nghề dệt thổ cẩm có nhiều thuận lợi hơn, nguyên liệu bán sẵn ngoài chợ khá nhiều, các mí thường đi chợ mua chỉ màu và vải may sẵn về dệt. Chỉ màu ngoài chợ có đủ màu sắc, vừa bền đẹp lại vừa rẻ. Người dệt mua chỉ màu về chỉ để dệt hoa văn cạp váy, còn thân váy là vải đen được may nối vào. Thuận lợi là thế, nhưng nhìn vào một chiếc váy bằng thổ cẩm bây giờ hình thư thiếu hẳn độ sâu và vẻ đẹp hồn nhiên của thổ cẩm truyền thống.
Hiện nay ở mỗi làng miền núi ở Vĩnh Thạnh có khoảng từ mười lăm đến hai mươi khung dệt và cũng chừng ấy người làm nghề dệt, chủ yếu là những người đã trên bốn mươi tuổi. Các mí (các cô) dệt khi có thời gian rảnh rỗi, khi trông nhà, lúc trông con nhỏ. Hết việc nhà thì ngồi vào dệt. Có khi một tấm vải áo dệt hàng tháng trời vẫn còn nằm dở dang trên khung cửi. Theo nhiều người hiện còn làm nghề dệt thì lâu nay bà con chỉ dệt tranh thủ lúc công việc nương rẫy, đồng áng đã tạm xong.
Tuy việc khôi phục và phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm ở Vĩnh Thạnh bước đầu có tín hiệu khả quan, song cũng có những vấn đề đặt ra cần giải quyết. Chẳng hạn như việc tuyên truyền ý thức về bảo tồn văn hoá dân tộc – trong đó có thổ cẩm – cho lớp trẻ tại các làng cần được tăng cường hơn. Bên cạnh cũng cần tạo điều kiện để các cơ sở làm nghề đổi mới hình thức sản phẩm phù hợp thị hiếu thị trường và có các biện pháp thiết thực giải quyết đầu ra cho sản phẩm… Một phần sản phẩm làm ra là để phục vụ nhu cầu sử dụng của đồng bào Bana trong huyện, tuy nhiên trong tương lại phần lớn sản phẩm thổ cẩm sẽ được tiêu thụ mạnh hơn phục vụ cho khách du lịch, khi tour du lịch sinh thái Quy Nhơn-Tây Sơn-Vĩnh Thạnh được mở rộng./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch