Thưởng thức phong vị đặc trưng của vùng đất xứ kinh kỳ
Nếu như ẩm thực miền Trung mang hương vị đậm đà của vùng đất đầy nắng và gió, ẩm thực miền Nam tràn đầy sự phóng khoáng, giản đơn thì ẩm thực miền Bắc lại chú trọng vào sự tinh tế, cầu kỳ trong cảm quan và hương vị.
Nằm trọn vẹn trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với 4 mùa rõ rệt xuân, hạ, thu, đông, từ xa xưa người dân miền Bắc đã hình thành thói quen ăn uống “mùa nào, thức nấy”. Bên cạnh đó, đồng bằng sông Hồng còn được biết đến là vùng đất màu mỡ, phì nhiêu do được bồi đắp bởi hệ thống sông ngòi đa dạng là điều kiện thuận lợi để nơi đây hình thành nguồn nguyên liệu phong phú, tươi ngon.
Ẩm thực miền Bắc đề cao sự thanh tao nhưng vẫn tôn lên được những hương vị tinh túy của món ăn. Các loại gia vị được người dân sử dụng nhiều có thể kể đến như chanh, dấm, sấu, tiêu, ớt, gừng, hành, tỏi, nước mắm pha loãng, mắm tôm, ưa chuộng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ tìm thấy như tôm, cua, cá, trai, hến… Ngoài ra, khi ăn món lạnh thường kèm theo nước chấm nóng, mỗi món ăn mang hương vị rất hài hòa, không quá chua, quá cay, quá mặn hay quá nồng, tiêu biểu của triết lý cân bằng âm dương tồn tại trong đời sống thường nhật của người Việt bao đời nay.
Bắt nguồn từ sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, chế biến, đặc biệt hơn sự khéo léo ấy lại càng được thể hiện rõ nét qua mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Bắc. Những mâm cao cỗ đầy, mỗi mâm có bốn bát bốn đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương được chế biến công phu, cầu kì, sặc sỡ, rất đỗi ngon miệng và bắt mắt, mang đến cho thực khách xúc cảm tràn đầy, trọn vẹn như một tác phẩm nghệ thuật.
Một đặc trưng rất “Bắc Bộ” mà du khách không nên bỏ lỡ trong hành trình khám phá ẩm thực miền Bắc là các món bánh. Nơi đây là khởi nguồn của nhiều món bánh truyền thống trứ danh như bánh cốm, bánh chả, bánh khúc, bánh đậu xanh, bánh giò, bánh gai, bánh phu thê, chè lam, kẹo lạc… Những chiếc bánh dân dã không chỉ là thức quà ăn vặt hàng ngày, mà còn được xem như kỷ niệm chứa đựng ký ức tuổi thơ, mộc mạc nhưng ngập tràn niềm vui.
“Điểm danh” một số món ăn nổi tiếng miền Bắc
Món xếp đầu tiên nằm trong danh sách “top món ngon phải thử” chắc chắn là phở Hà Nội. Đây không chỉ là đặc sản Hà thành mà còn là biểu tượng của ẩm thực Việt Nam, chiếm trọn sự yêu mến của du khách cũng như truyền thông quốc tế. Phở Hà Nội mang một hương vị rất riêng, là sự kết hợp hoàn hảo của nước dùng ngọt từ xương, hương thơm từ nhiều loại thảo mộc, là miếng thịt bò mềm tan khi thưởng thức, là từng sợi bánh phở trắng mịn mượt mà, tất cả đều rất cầu kỳ, tỉ mỉ.
Cùng với Phở Hà Nội, Chả cá Lã Vọng cũng nức tiếng gần xa và hấp dẫn du khách bởi hương vị đậm đà của mắm tôm và cá lăng nướng tươi giòn. Khi ăn thực khách bỏ những miếng cá đã được sơ chế lên chảo nóng cùng hành và thì là cho dậy vị. Miếng cá tươi chắc thịt, nóng hổi ăn kèm rau thơm và bún trắng, rắc một chút lạc rang thơm lừng và chấm kèm mắm tôm đã pha chế như thổi bùng vị giác, khiến du khách nhớ mãi không quên.
Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km, Hà Nam là mảnh đất giàu truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa và nổi tiếng với món cá kho làng Vũ Đại. Cá trắm đen sau khi tẩm ướp gia vị được xếp vào niêu đất và đun liên tục trên bếp củi từ 12 – 16 tiếng. Niêu cá kho đạt yêu cầu là khi thớ cá trở nên chắc thịt, ngấm đều gia vị mà không bị khô, du khách thưởng thức sẽ cảm nhận được vị béo bùi của thịt mỡ thoang thoảng mùi hương củi nhãn đặc trưng.
Nằm vùng duyên hải phía đông thủ đô Hà Nội, Quảng Ninh nổi tiếng cả nước với món Chả mực Hạ Long, món ăn đậm đà hương vị biển, được du khách yêu thích bởi sự dai, giòn và thơm ngon của mực nguyên chất. Đây là loại chả được làm từ giống mực mai tươi sống, có mình dày và được giã hoàn toàn bằng tay. Khi thành phẩm đạt đến độ yêu cầu, người chế biến sẽ nặn viên mực thành miếng nhỏ, chiên vàng trong chảo dầu sôi để tạo ra những miếng chả mực vàng ruộm, tươi ngọt, rưới thêm chút tương ớt hoặc nước mắm ngon để miếng chả càng thêm dậy vị.
Từ Quảng Ninh xuôi xuống Hải Dương, du khách sẽ được thưởng thức bánh đậu xanh – sản vật đặc trưng được biết đến từ đầu thế kỷ XX. Chiếc bánh đậu xanh được làm từ những nguyên liệu đơn giản như bột đậu xanh nguyên chất, trộn mỡ và đường vừa phải để tạo độ ngọt và béo. Thưởng thức bánh đậu xanh ngon nhất là khi nhâm nhi cùng chén chè xanh, vị chát nhẹ của chè sẽ tôn lên vị ngọt thanh của bánh. Bánh đậu xanh giản dị, mộc mạc và chứa đựng hương vị nồng nàn của miền quê Bắc Bộ, trở thành món quà đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đặt chân đến Hải Dương.
Nếu lỡ mê mẩn phong vị thanh tao, tinh tế của những món đặc sản trên, du khách có thể tự tay chuẩn bị và chế biến các món ăn này ngay tại nhà và tham khảo công thức nấu ăn kết hợp với nước tương, hạt nêm và dầu hào MAGGI để giúp thổi bùng hương vị, mang đến món ăn đậm chất Việt.
88 năm qua MAGGI đã trở thành bạn đồng hành của biết bao thế hệ người tiêu dùng Việt thông qua việc gắn kết gia đình và cộng đồng với những món ăn ngon. Nhận thấy rằng ẩm thực Việt Nam không chỉ đa dạng, phong phú với những công thức chế biến mà còn là một nét văn hóa tự nhiên được hình thành trong cuộc sống, MAGGI và Trung tâm Thông tin du lịch – Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam chung tay hợp tác trong đề án “Biến tấu – Vạn nguyên liệu, Nấu triệu món Việt” giúp bảo tồn và phát huy sự đa dạng văn hoá – ẩm thực của 63 tỉnh thành. Bất kỳ ai cũng có thể biến tấu món ngon từ nguyên liệu địa phương để cùng góp phần gìn giữ và nâng tầm nét đẹp Việt. Cùng nhau, chúng ta hãy tạo nên bản đồ ẩm thực lớn nhất Việt Nam!
Trung tâm Thông tin du lịch
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch