Công đoạn đan đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của đôi tay.
Ông Nông Văn Và ở thôn Kíp Tước 1 năm nay đã ngoài 60 nhưng đôi tay vẫn còn nhanh và thành thạo từng đường đan. Ngồi bên hiên nhà đan gùi, ông tâm sự: Nghề đan lát được truyền từ đời này qua đời khác và trở thành nghề truyền thống của người dân địa phương. Các sản phẩm đan chủ yếu là rổ, rá, mẹt, gùi… Ban đầu, bà con chỉ làm để phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, sau đó làm nhiều để bán tại các chợ phiên. Sản phẩm tốn nhiều công sức nhất là gùi. Để hoàn thiện một chiếc gùi phải mất khoảng 3 ngày. Công đoạn làm gùi rất cầu kỳ, tỉ mỉ, đòi hỏi phải có đôi tay khéo léo. Chiếc gùi được làm từ thân cây trúc có độ tuổi 5 năm trở lên để đạt đủ độ dẻo. Hiện tại, mỗi chiếc gùi được bán ra thị trường với giá 150.000 – 180.000 đồng.
Gia đình bà Vàng Thị Trang ở thôn Kíp Tước 1 cũng làm nghề đan lát, bà kể: Gia đình tôi đã duy trì nghề này từ lâu, chủ yếu đan rổ, rá, mẹt, trung bình mỗi ngày làm được 5 – 6 chiếc. Tuy chỉ là nghề phụ nhưng tạo công việc ổn định cho gia đình, đồng thời góp phần gìn giữ nghề truyền thống của xã.
Bà Nông Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Thành cho biết: Trước đây, các sản phẩm đan lát được ưa chuộng và bán được giá tại các chợ truyền thống. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân chuyển sang sử dụng sản phẩm từ nhựa công nghiệp nhiều hơn khiến mặt hàng này khó cạnh tranh. Thị trường tiêu thụ sản phẩm không lớn nên chỉ còn một số gia đình giữ nghề. Hiện xã có hơn chục hộ làm nghề đan lát, tập trung chủ yếu ở thôn Kíp Tước 1 và Kíp Tước 3. Để bảo tồn giá trị, bản sắc văn hóa các dân tộc ở địa phương, xã Hợp Thành thường xuyên vận động người dân lưu giữ nghề truyền thống, tranh thủ thời gian nông nhàn làm thêm các sản phẩm đan lát để tăng thêm thu nhập./.
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch