Yang Tao ở cuối nguồn con sông Mẹ – sông Krông Ana phía đông bắc, trước khi hợp lưu cùng sông Cha – sông Krông Nô thành dòng Sêrêpốk hùng vĩ đổ ngược về phía tây. Nơi đây đất đai khá trù phú nhưng quan trọng là dọc sâu các bãi bồi luôn có các vỉa đất sét dẻo mịn.
Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để các amí dùng làm gốm. Cũng giống như phụ nữ Chăm ở Bàu Trúc (tỉnh Ninh Thuận), đất sét được các amí đem về dùng chày giã cho đến khi các thớ đất trộn đều, kết dính vào nhau.
Tiếp đến, khối đất sét sau khi giã được kéo đều thành từng sợi thuôn dài như sợi chão, đường kính to nhỏ tùy theo sản phẩm định làm. Những “sợi chão đất” đó sẽ được cuộn hoặc xếp lại từ thấp lên cao theo hình dạng sản phẩm.
Tiếp nữa, không dùng đến bàn xoay, các amí chỉ dùng tay hoặc mảnh vải ướt đi vòng quanh, vừa đi vừa miết để tạo hình, miết đều mặt ngoài, mặt trong cho đến khi sản phẩm định hình thì đem phơi. Đến đây coi như “xương gốm” đã hoàn thành, tùy vào thời tiết, phơi đến khi sản phẩm se lại vừa đủ thì vẽ hoạ tiết rồi sau đó đem nung. Muốn tạo màu trước khi nung, các amí chỉ tạo màu khói đen bằng tro mịn đốt ra từ vỏ trấu. Gốm ở Yang Tao nung lộ thiên, chất củi hoặc rơm lên đốt, chỉ tầm 1 – 2 giờ là sản phẩm ra lò.
Phụ nữ buôn Yơng Bắc, xã Yang Tao (huyện Lắk) làm gốm truyền thống. Ảnh: Hữu Nguyên
Quy trình làm gốm ở đây, theo tôi, là cách thức làm gốm đơn giản nhất. Đơn giản trong nguyên liệu (chỉ có đất sét), trong phương tiện (không dùng cả bàn xoay), trong màu sắc (màu khói đen duy nhất) và cách thức nung (không dùng lò, nung bằng tất cả những nguyên liệu cháy được). Đơn giản nhưng nghĩ lại có thể ẩn chứa trong đó chiều sâu triết lý.
Chẳng hạn, nếu quan niệm sản phẩm gốm trong hình hài “cát bụi” rồi sẽ trở về “cát bụi” thì đâu phải nhọc lòng đổ mồ hôi công sức. Hay như việc làm gốm không dùng bàn xoay, nhìn các amí di chuyển vòng quanh tôi cứ ngờ ngợ, phải chăng đó là mô phỏng của những vòng xoang nhịp nhàng trong các lễ hội của đồng bào Tây Nguyên.
Còn nhớ các nghệ nhân làm gốm ở Yang Tao trong một lần tham quan làng gốm Thanh Hà (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã được những người thợ gốm ở đây ngỏ ý tặng chiếc bàn xoay nhưng các amí đã từ chối. Lời từ chối này cho thấy, với các nghệ nhân Yang Tao, điều quan trọng không phải là gốm mà là quá trình làm ra gốm. Tôi gọi đó là triết lý gốm Yang Tao!
Nghệ nhân ở xã Yang Tao làm gốm không cần dùng bàn xoay, với đôi bàn tay khéo léo để tạo hình dáng cho gốm. Ảnh: Hữu Nguyên
Nhìn cách làm gốm ở Yang Tao, tôi nghiệm ra nghệ thuật nhiều khi chẳng cần cao siêu. Hãy nhìn các amí vẽ hoạ tiết trên xương gốm sẽ thấy điều đó. Họ chủ yếu dùng cành cây vót nhọn để khắc chạm các đường kỷ hà, các môtip hoa văn đơn giản. Nếu cần hình tròn họ dùng các đồng xu hoặc vòng đeo tay. Có amí dùng cả vỏ sò, chiếc muỗng… để tạo hoa văn, nghĩa là bất cứ vật dụng nào có dạng hình học cần dùng là dùng, không câu nệ. Theo tôi, đấy là nghệ thuật đã đạt đến độ “tối giản”. Hay như màu sắc, “tối giản” ở đây chỉ có 2 màu, nâu nhạt của đất nung và khói đen của tro trấu, gần với nguyên lý nghệ thuật trong tranh thủy mặc của người Trung Hoa.
Nhiều nhà Tây Nguyên học còn cho rằng, tuy gốm Yang Tao đơn giản nhưng nó là nơi cất giấu những bí ẩn của dòng chảy văn hóa thời quá vãng. Tiến sĩ Lương Thanh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết: Người M’nông Rlăm nói và hiểu được ít nhiều các ngôn ngữ của dân tộc anh em khác như Êđê, Chu Ru, J’rai… Nghĩa là, trong một giai đoạn nào đó, gốm Yang Tao đã được các thương nhân, chủ nhân của dòng gốm này đi giao lưu, mua bán nhiều nơi trên đất Tây Nguyên. Kể ra để thấy, các nhà nghiên cứu, nếu tìm hiểu thêm về gốm Yang Tao chắc hẳn còn nhiều điều thú vị khác.
Chừng gần thập niên trở lại đây, gốm Yang Tao được nhiều người biết đến nhưng sản phẩm hãy còn “bươn chải” trên thị trường. Việc khôi phục nghề truyền thống, quảng bá thương hiệu, xây dựng chuỗi cung ứng… cho dòng gốm Yang Tao là việc của nhiều cơ quan, ban, ngành chức năng và không phải là câu chuyện một sớm một chiều. Nhưng chắc hẳn nhiều người đã nhìn ra gốm Yang Tao có một “căn cước” riêng, độc đáo trong đại gia đình gốm Việt./.
Nguyễn Thị Triều
Chuyên mục: Điểm đến Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch