Trước đó, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, địa phương này đã tổ chức Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang” với sự tham gia của đông đảo nghệ nhân, đầu bếp đến từ các đơn vị, địa phương, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh tham gia sáng tạo, thực hiện và trình bày nhiều món ăn liên quan đến hai đặc sản nổi tiếng của địa phương là cá thác lác và khóm.
Tổng cộng có 218 món ăn từ cá thác lác, khóm được thực hiện, vượt xa kỳ vọng ban đầu chỉ là 200 món ăn.
Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận bằng công nhận xác lập kỷ lục từ đại diện Tổ chức Kỷ lục gia Việt Nam
Các nghệ nhân tham gia chế biến hơn 200 món ăn từ cá thác lác và khóm tại Hội thi ẩm thực “Hương sắc Hậu Giang”
Từ lâu, khóm Cầu Đúc của Hậu Giang nổi danh khắp nơi với vị ngọt đặc trưng và mọng nước, thơm, được trồng nhiều nhất tại xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh.
Cây khóm được xác định là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Hiện tại thành phố Vị Thanh có hơn 2.200 ha khóm Cầu Đúc, trong đó có nhiều diện tích được đầu tư theo chuẩn VietGAP.
Riêng cá thác lác được nuôi nhiều nơi trong tỉnh với hơn 100ha, trong đó nhiều nhất là ở huyện Phụng Hiệp. Thời gian qua, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến, nhà hàng trên địa bàn tỉnh đã sản xuất đa dạng sản phẩm từ loài cá này, Tiêu biểu có cá thác lác rút xương, chả cá thác lác, cá thác lác viên, cá thác lác muối sả, bánh phồng tôm cá thác lác…
Việc được xác lập kỷ lục Việt Nam đối với 2 sự kiện này sẽ là cơ hội để khóm và cá thác lác Hậu Giang tiếp tục vươn xa, được đông đảo thực khác trong và ngoài nước biết đến./.
Nguyễn Tấn Phong
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch