Cùng với thắng cố, mận Tam Hoa, chè Shan, quế… thì rượu ngô của người Mông xã Bản Phố chính là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Bắc Hà.<!—->
Từ thị trấn Bắc Hà, men theo con đường quanh co, uốn lượn theo sườn núi Hoàng Liên Sơn dài 4km xanh mướt một màu của ngô và lúa non cùng những cánh rừng mận Tam hoa ngút tầm mắt, du khách sẽ tới xã Bản Phố.
Bản Phố là nơi tập trung sinh sống của khoảng hơn 500 hộ gia đình người Mông với trên 3.000 nhân khẩu. Theo tiếng Quan Hỏa – ngôn ngữ chung của một số dân tộc sống ở dải biên cương phía Bắc thì “Phố” dùng để chỉ nơi tập trung dân cư và hàng quán. Nhìn từ xa, Bản Phố đẹp như một bức tranh đa sắc màu. Hòa lẫn trong màu xanh bạt ngàn của núi rừng là những nếp nhà sàn nhỏ xinh nằm san sát nhau. Người Mông ở Bản Phố xây nhà trên cao, bám vào vách đá hoặc sườn núi. Nền nhà thường thấp và kín gió, nguyên liệu làm nhà chủ yếu bằng gỗ. Trong nhà luôn có lò sưởi, các món thịt sấy, mèn mén, thắng cố.
Người Mông sử dụng nhiều loại nhạc cụ, đặc trưng nhất là khèn và đàn môi. Vào dịp Tết hay những ngày chợ phiên, các nam thanh nữ tú người Mông thường thổi khèn gọi bạn và cất lên những câu hát giao duyên tha thiết, trữ tình.
Một trong những thói quen của người Mông là uống nhiều rượu. Đi chợ mà không ăn thịt, không uống rượu say thì không phải là nam nhi. Vì thế, rượu được bán ở bất cứ nơi nào người Mông có mặt. Huyện Bắc Hà có nhiều bản làng nấu rượu nhưng rượu ngon và nổi tiếng nhất là rượu ngô Bản Phố. Không phải ngẫu nhiên mà tại Bản Phố, diện tích đất trồng ngô lên đến 300ha, trong khi đất trồng lúa chỉ có 82ha.
Theo kinh nghiệm của người Mông ở Bản Phố, rượu ngon hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó nguyên liệu chính là ngô được trồng ngay trong vùng. Để nấu thành rượu, ngô phải luộc trong một khoảng thời gian dài đến khi hạt ngô chớm bung thì vớt ra, để nguội hẳn rồi đem ủ men. Men rượu ở đây được làm từ cây hồng my trồng ven những sườn đồi, nương lúa, có hình dáng giống như cỏ mần trầu, hạt màu đen, nhỏ li ti. Sau khi thu hoạch, bông hồng my được phơi khô, sau đó tách lấy hạt đem xay nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu (lấy từ nồi rượu trước) và nước sôi, nhào thật nhuyễn, nắm thành quả đặt trên rơm và phơi ở nơi ít nắng, thoáng gió. Đến khi những quả men khô thì gác lên bếp hoặc treo trên sàn để dùng dần.
Người Mông trộn ngô với men hồng my theo một tỷ lệ nhất định rồi đem ủ trên nền đất trong nhà. Họ luôn giữ cho nhiệt độ ủ không quá nóng, cũng không quá lạnh. Sau khi ngô ủ ấm lên, những hạt ngô xuất hiện phấn trắng thì đem ngô ủ cho vào thùng, buộc chặt khoảng 5 đến 6 ngày rồi cho vào chõ gỗ để nấu rượu. Ngô nấu rượu được tính bằng sinh (tương đương 30kg). Thông thường, mỗi nồi rượu nấu khoảng 2 sinh ngô, chưng cất được từ 20 đến 24 lít rượu, nồng độ khoảng chừng trên 40 độ.
Ngô, men hồng my cùng với nguồn nước từ núi đá, khí hậu và tình cảm của người Bản Phố đã hoà quyện vào nhau tạo nên thứ rượu nổi danh khắp vùng cao nguyên trắng, theo chân du khách đi tới những vùng đất xa xôi.
Phát triển nghề truyền thống nấu rượu ngô Bản Phố không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc, mà còn góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người Mông ở Bản Phố. Rượu ngô Bản Phố cũng góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bắc Hà nói riêng, Lào Cai nói chung, thu hút khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu và thưởng thức./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch