Cà phê Đức Lập<!—->
Với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi, nên cây cà phê đã sớm được trồng ở khu vực Đức Lập với chất lượng đặc biệt thơm ngon. Sau năm 1975, cây cà phê đã phát triển rộng trên địa bàn huyện Đắk Mil và hiện toàn huyện đã có diện tích hơn 22.000 ha, sản lượng bình quân 45.000 tấn/vụ (chiếm 1/5 về diện tích và 1/3 về sản lượng của tỉnh).
Với lợi thế đó, huyện Đắk Mil cũng đang thực hiện các chương trình tái canh, sản xuất nông nghiệp sạch… với quyết tâm xây dựng địa phương trở thành nơi sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao với sản phẩm cà phê mang thương hiệu Cà phê Đức Lập.
Phong phú trái cây sầu riêng, bơ, mít, xoài
Ở các xã Đức Minh, Đức Mạnh và thị trấn Đắk Mil, gia đình nông dân nào cũng trồng cây ăn trái, với các loại như sầu riêng, bơ… Sầu riêng ở vùng này có hương thơm, vị ngọt khiến cho ai đã thưởng thức một lần thì nhớ mãi. Sản lượng nhiều, chất lượng cao; còn bơ thì “khỏi chế” với các dòng bơ sáp dẻo, bùi, béo ngậy… Thế nên, dọc quốc lộ 14 qua địa bàn, nhiều tụ điểm bán trái cây đã trở thành “chợ đầu mối” cho những chuyến xe vào Nam hay ra Bắc.
Ở các xã Đắk N’drót, Đắk R’la, Đắk Gằn… thì mít nghệ, xoài đang là cây trồng phổ biến, mang về thu nhập cao cho nông dân cũng bởi sản lượng nhiều, chất lượng tốt. Nhiều gia đình nông dân ở đây đã phá vườn tạp, chuyển sang chuyên canh những cây trồng này, hàng năm thu hoạch vài chục tấn quả. Mít nghệ Đắk N’drót, xoài Đắk Gằn đã trở thành hàng hóa đến với người tiêu dùng ở mọi miền.
Cá bống Hồ Tây
Hồ Tây có loại cá bống cơm sinh sôi nảy nở nhanh. Loại cá này thịt rất thơm, ngon, nổi tiếng nhất là món kho tộ. Cá được ướp kỹ gia vị, để một thời gian khoảng 30 đến 40 phút rồi cho vào nồi đất đun đến vừa cạn nước, gia vị quyện dính khiến con cá có màu hổ phách là được. Nhiều nhà hàng, quán cơm ở thị trấn Đắk Mil đều không thể không có món đặc trưng này./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch