Có lẽ, ấn tượng nhất là phải nói đến đọt mây, khó tìm, khó thấy hơn măng, nhưng mùa nào cũng có. Ðồng bào thường lấy phần đọt có gai về làm thức ăn, khi bóc hết lớp vỏ cứng bên ngoài sẽ lộ ra phần thân non bên trong màu trắng nõn nà. Cách chế biến đơn giản nhất là luộc, xào hoặc nướng than. Cầu kì hơn thì dùng đọt mây để chế biến nhiều món như xào thịt bò, nấu canh thụt, gỏi…<!—->
Ðặc biệt, các món ăn này không chỉ có mặt trong bữa ăn hàng ngày mà còn được trân trọng thưởng thức trong những lễ hội truyền thống. Song hành với đọt mây là lá bép hay còn gọi rau nhíp mọc nhiều ở bìa rừng, nơi ẩm thấp nên mỗi khi đi nương rẫy hay lên rừng, bà con hái về dùng. Lá bép non có màu đỏ phớt, dưới cuống lá màu xanh, khi nấu chín có vị dẻo, ngọt và bùi, thường dùng để nấu canh thụt chung với đọt mây, hay xào với các thực phẩm khác…
Không chỉ thơm ngon, lá bép còn cung cấp nhiều năng lượng, giúp phục hồi sức khỏe. Một loại rau đặc trưng, được ưa chuộng và không thể thiếu trong bữa ăn của đồng bào là cà đắng. Quả cà đắng có hình dạng giống cà pháo, có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt là có vị đắng rất đặc trưng. Ðồng bào thường nấu cà đắng chung với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt, đậu phụ hoặc um với lươn, ếch…Ngày xưa, cà đắng mọc nhiều, nhưng nay đã ít đi, nên đồng bào lại mang giống về trồng xung quanh nhà cho tiện dùng.
Ðiều đáng nói là giờ đây, những món ăn dân dã ấy nghiễm nhiên trở thành “đặc sản” có mặt ở không ít nhà hàng, quán ăn, thu hút thực khách thưởng thức. Vì vậy, hiện có không ít người xem việc đi tìm hái đọt mây, lá bép, cà đắng là “nghề” để cải thiện cuộc sống.
Đồng bào ở đấy cho biết: đọt mây, lá bép còn là một vị thuốc hữu hiệu chống lại bệnh sốt rét, tiểu đường, giảm béo. Vì vậy, ngày trước, mỗi khi đi rừng, lên nương rẫy về, bà con thường hái đọt mây, lá bép về dùng, vừa có cái ăn, vừa để chữa một số loại bệnh thông dụng./.
Chuyên mục: Cẩm nang Du lịch
Tổng hợp: OTA Việt Nam | Nguồn: TCDL -Trung tâm thông tin du lịch